Tại cuộc họp tổng kết cuối năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo Vietcombank cho biết, kết thúc năm vừa qua, chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỉ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỉ lệ nợ xấu ở mức 0,97%.
Trong khi đó, tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng 0,68%. Vietcombank duy trì 6 năm liên tiếp ghi nhận tỉ lệ nợ xấu ở dưới 1% tại thời điểm cuối năm.
Khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết của Vietcombank, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng – người từng ở cương vị lãnh đạo ngân hàng Vietcombank trước đó – cho biết: Theo báo cáo, quy mô nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của Vietcombank đã đạt con số rất lớn, dù so với các ngân hàng thương mại khác đây là con số nhỏ nhưng so sánh biến động qua các thời kỳ của Vietcombank thì con số nợ xấu năm 2023 là con số lớn nhất trong các thời kỳ.
VietinBank ghi nhận tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh trong quý IV/2023, thậm chí còn xuống mức thấp hơn cuối năm 2022.
Ngân hàng này cho biết, tỉ lệ nợ xấu cuối năm 2023 chỉ còn 1,12%. Trong khi trước đó, tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của VietinBank cuối năm 2022 là 1,24%.
Tương tự tại BIDV, tỉ lệ nợ xấu cũng có chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 12.2023, tỉ lệ nợ xấu tính theo TT 11 chỉ còn 1,1%. Trong khi đó, tính đến hết tháng 9.2023, tỉ lệ nợ xấu tính là 1,29%.
Hết năm 2023, Agribank duy trì tỉ lệ nợ xấu dưới mức 2%, theo báo cáo của ngân hàng này.
Hiện nay, các ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, các con số trên dựa trên báo cáo công bố của các ngân hàng.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đã đạt 4,95%, nợ xấu bán cho VAMC và nợ xấu có nguy cơ trở thành nợ xấu là rất lớn.
Thông tin đến báo chí tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỉ lệ nợ xấu tăng là do nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.