Trong sản xuất nông sản, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Thời gian qua, nông dân tỉnh Thanh Hóa đã và đang không ngừng nâng cao vị thế, tham gia ngày càng nhiều vào các chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.
Xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đông (Hoằng Hóa) thu hoạch khoai tây.
Thành lập năm 2020, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đông đã triển khai kế hoạch trồng cây khoai tây Marabel theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, cụ thể là với Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt. Mô hình được triển khai với diện tích 25 ha/tổng số 47 ha diện tích cây trồng vụ đông của xã. Để tránh tình trạng được mùa, mất giá, được giá mất mùa, đảm bảo quyền lợi cho nông dân, HTX đã ký hợp đồng với các hộ dân tham gia mô hình với giá niêm yết. Theo giám đốc HTX Nguyễn Văn Hoạch: Tham gia liên kết, nông dân không chỉ được công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cung ứng phân bón và giống trả chậm, mà toàn bộ sản lượng khoai tây sau khi thu hoạch đều được doanh nghiệp bao tiêu. Đến nay, sau 3 năm triển khai mô hình liên kết trong sản xuất khoai tây, diện tích gieo trồng của HTX đã đạt tới gần 30 ha với năng suất từ 25 – 30 tấn/ha, sản lượng 750 tấn.
Nhận thấy dưa Kim Hoàng hậu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, một số hộ dân xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả kinh tế sang trồng dưa. Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc, quy trình bón phân nên cây chậm phát triển, quả nhỏ, vị nhạt. Trước khó khăn đó, nhiều hộ dân đã thông qua HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Hòa ký hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Ông Lê Xuân Thành, đại diện HTX, cho rằng: Mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân đã và đang khẳng định những ưu điểm trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Mỗi năm, trên địa bàn xã, việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đạt khoảng 1.200 tấn/năm và đang có xu hướng tăng dần. Bên cạnh đó, HTX còn làm “cầu nối” thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, như ớt, khoai tây, dưa vàng… thu mua giống lúa nếp và các loại lúa thương phẩm như Thái Xuyên, BC15…; cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi cho người dân trên địa bàn.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều mô hình HTX đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cho thấy sự tích cực vào cuộc của hội nông dân các cấp, sự chủ động, đổi mới trong tư duy, cách làm của người nông dân trong liên kết sản xuất, thành lập và phát triển kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa. Không còn là mô hình sản xuất theo quy mô hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu làm theo kinh nghiệm truyền thống, giờ đây, khi tham gia các HTX, tổ hợp tác (THT), chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, người nông dân đã chủ động trang bị kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học – kỹ thuật, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 1.012 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, 23 chuỗi trong lĩnh vực thủy sản, 4 chuỗi liên kết khép kín sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp và 79 dự án chăn nuôi phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp liên kết đã đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh, như BigC, Co.op mart, Winmart… góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.
Bài và ảnh: Chi Phạm