Tuy nhiên, con số trên mới chỉ đạt hơn một nửa so với hơn 27.000 tỷ đồng của năm 2019. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa đang cố gắng tìm hướng đi để ngành du lịch phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Tháng 2 vừa qua, liên tục 4 chuyến tàu biển với hơn 7.200 khách quốc tế đến Nha Trang-Khánh Hòa đều bị hủy chuyến với lý do thời tiết xấu. Song, theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vướng phải các quy định hiện hành mà doanh nghiệp du lịch chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện. Đó là, các tuyến đường chính ở TP Nha Trang cấm xe trên 29 chỗ ngồi nên các đơn vị lữ hành rất khó khăn trong việc tổ chức tham quan.
Trước đó, từ tháng 3-2020, UBND TP Nha Trang đã ban hành quyết định phân luồng giao thông có nội dung cấm xe ô tô trên 29 chỗ ngồi lưu thông vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm. Sau gần 3 năm, nhận thấy sự bất cập trong tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo, quyết định cho phép các xe trên 29 chỗ ngồi có phù hiệu xe du lịch được vào trung tâm TP Nha Trang trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, theo thông tư liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để xe được cấp phù hiệu xe du lịch thì lái xe phải trải qua lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, kinh doanh vận tải.
Theo ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictours, từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép những xe mang biển hiệu du lịch được phép lưu thông vào giờ cao điểm để phục vụ khách du lịch, nhưng dịch Covid-19 kéo dài, các lái xe nghỉ việc rồi đi làm lại, do vậy, việc bổ sung chứng chỉ cho lái xe chưa kịp thực hiện nhằm bảo đảm những quy định của pháp luật. Để tháo gỡ khó khăn trong việc đón khách du lịch, UBND tỉnh Khánh Hòa tạm thời cho phép xe du lịch trên 29 chỗ ngồi phục vụ khách du lịch tàu biển được lưu thông trên các tuyến đường trung tâm vào giờ cao điểm đối với những ngày cụ thể có tàu biển vào TP Nha Trang…
Ngoài ra, hiện tượng khách sạn tự phong sao, hạ giá thấp, cạnh tranh không lành mạnh làm mất uy tín đối với khách du lịch đến lưu trú cũng tạo tiền lệ xấu, vẫn diễn ra trong thời gian qua. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Năm 2022, Sở Du lịch đã ban hành nhiều văn bản nhắc nhở các cơ sở lưu trú du lịch có quyết định công nhận hạng sao nhưng hết hiệu lực xem xét lựa chọn và thực hiện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở không được treo biển hạng sao và không sử dụng từ sao hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch dưới mọi hình thức khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Tuy vậy, hình ảnh quảng bá trên mạng xã hội vẫn có sự khác biệt với thực tế, dẫn đến du khách dễ nhầm lẫn”.
Khó khăn hiện nay là việc xử lý các trang web bán phòng trực tuyến, tự phong sao để bán phòng, do doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở, chi nhánh ở Việt Nam. Máy chủ của các trang web này cũng đặt ở nước ngoài nên các cơ quan chức năng không thể xử lý được. Khi phát hiện những trường hợp này, các đoàn thanh tra đã nhắc nhở chủ khách sạn cần tuân thủ quy định nhưng họ thường đẩy trách nhiệm cho các trang web nước ngoài. Vì vậy, hiện tượng này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Nhiều giải pháp thu hút khách du lịch
Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa xác định thị trường khách du lịch nội địa vẫn giữ vai trò chủ lực. Tuy nhiên, tỉnh cũng hết sức coi trọng việc mở rộng ra những thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống và giàu tiềm năng như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Kazakhstan… Các thị trường trên được xây dựng kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp.
Theo đó, ngành du lịch Khánh Hòa sẽ tăng cường triển khai nhiều hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, kích cầu thu hút khách du lịch, nhất là thông qua các hội chợ, hội thảo, sự kiện du lịch lớn trong nước và quốc tế. Cùng với đó, Khánh Hòa chủ trương đón tiếp các đoàn doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế đến khảo sát, tìm hiểu, hợp tác phát triển du lịch tại tỉnh; tiếp tục triển khai phát triển liên kết vùng để tạo sự đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch; phối hợp với các hãng hàng không mở rộng đường bay kết nối điểm đến; xây dựng bản đồ số du lịch Khánh Hòa; tổ chức các hoạt động đón chuyến bay, tàu biển, chào mừng các đoàn khách du lịch nhân dịp những ngày lễ lớn trong năm, các hoạt động sự kiện trong khuôn khổ kỷ niệm 370 năm hình thành, phát triển tỉnh Khánh Hòa và Festival biển Nha Trang-Khánh Hòa 2023.
Tỉnh Khánh Hòa cũng mở rộng, tăng cường ứng dụng các công nghệ số, truyền thông để giới thiệu những nét hấp dẫn của du lịch xứ trầm hương thông qua các website, mạng xã hội nhằm quảng bá du lịch như: nhatrang-travel.com; nhatrang-travel.com.vn… của ngành du lịch tỉnh nhằm phục vụ công tác truyền thông, tiếp cận rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Đẩy mạnh truyền thông du lịch Nha Trang-Khánh Hòa trên báo chí Trung ương, địa phương và quốc tế; phát hành cẩm nang văn hóa du lịch Khánh Hòa, xây dựng các clip quảng bá điểm đến.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Địa phương tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tăng cường đầu tư để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch ngang tầm quốc tế. Đặc biệt, tỉnh tập trung phát huy thế mạnh du lịch biển, đảo bên cạnh các loại hình sản phẩm du lịch bổ trợ khác như: Du lịch vui chơi giải trí; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch chữa bệnh; du lịch mạo hiểm…”.
Năm 2023, ngành du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 2,5 triệu lượt khách nội địa và 1,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 21.000 tỷ đồng.
|
Bài và ảnh: VŨ DUY HIỂN