Tác giả Phương Nhung – Báo Đại Biểu Nhân Dân với Loạt bài 5 kỳ: “Thượng phương bảo kiếm” nào cho hoạt động giám sát quyền lực”:
Để những kiến nghị giám sát không còn “vô hồn” trên những trang A4
Dù đã có những bước tiến dài, những “quả ngọt” nhưng so với kỳ vọng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 vẫn chưa cụ thể hóa các quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, đặc biệt là chưa có chế tài đủ mạnh – một “Thượng phương bảo kiếm” đủ sắc bén…
Đây chính là “điểm nghẽn” từ chế tài dẫn đến có những kiến nghị xuyên nhiệm kỳ của các địa phương chậm được giải quyết, những tiếc nuối, giá như… Đây cũng chính là nội dung hầu hết các địa phương kiến nghị, mong chờ qua nhiều nhiệm kỳ, tại hầu hết các hội nghị giao ban, tổng kết và đặc biệt là qua Tổng kết 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Tuy nhiên, tất cả kiến nghị, đề xuất mới chỉ dừng lại ở việc có chế tài đủ mạnh thực hiện những kết luận, kiến nghị sau giám sát, còn chế tài đủ mạnh đó là như thế nào lại chưa được đề xuất cụ thể. Vậy, những chế tài đủ mạnh đó cần được cụ thể như thế nào để thực sự phát huy vai trò hoạt động giám sát quyền lực?
Đi tìm lời giải cho câu hỏi, trăn trở này, đóng góp thêm những gợi ý giải pháp cho việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, nhóm tác giả đã thu thập thông tin, xâm nhập thực tiễn, khảo sát thực tế, tham vấn ý kiến của HĐND nhiều địa phương, đặc biệt là qua các vị đại biểu HĐND chuyên trách, gặp gỡ, chia sẻ với các vị cử tri…
Tuyến bài được phối hợp thực hiện bởi các phóng viên, biên tập viên Ban Công tác Hội đồng nhân và Phóng viên thường trú, Báo Đại biểu Nhân dân với một số đại biểu cơ quan dân cử địa phương – những người trong cuộc am hiểu, tâm huyết, đau đáu với hoạt động của cơ quan dân cử – giống như một cuộc tham vấn ý kiến đặc biệt để đề xuất được những gợi ý quan trọng về các chế tài cụ thể đủ mạnh – “Thượng phương bảo kiếm” đối với việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua giám sát của HĐND.
Đặc biệt, tuyến bài cũng đặt ra vấn đề phải bảo đảm cơ cấu tổ chức của HĐND những đại biểu đủ năng lực, bản lĩnh và có vị thế chính trị, nhất là những “đầu tầu” thì mới “song kiếm hợp bích” được. Để những kiến nghị giám sát không còn “vô hồn” trên những trang A4, thực sự phát huy vai trò giám sát quyền lực, vì niềm tin của cử tri, Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Cùng với việc chọn nội dung đang là “điểm nghẽn” trong thực thi vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng cách thức thể hiện sinh động, hấp dẫn nhất đối với bạn đọc, từ cách rút tít bài, sapo và chọn cách mở đầu tuyến bài bằng những câu chuyện, tình huống thực sự đặc sắc để tạo ấn tượng mạnh với bạn đọc.
Tác giả Văn Toản – Báo Nhân Dân với Loạt bài 3 kỳ “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân”:
Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân
Loạt bài “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân” gồm 3 bài viết, nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc nâng cao chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân; những chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân kể từ sau khi Nghị quyết 594 được ban hành.
Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị của các chuyên gia, đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội về những giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập, vướng mắc để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong thời gian tới.
Thời gian triển khai khá gấp, sau khi thống nhất lựa chọn đề tài, dựa trên tài liệu ban đầu, nhóm vừa viết, dựng thô 3 bài, vừa tiếp tục thu thập, liên hệ phỏng vấn, bổ sung thông tin, trau chuốt bài viết. Rất may là nhóm đã hoàn thành loạt bài ưng ý, bám sát thực tiễn.
Chùm bài được thể hiện dưới dạng Megastory với cách trình bày hiện đại, đơn giản nhưng không bị đơn điệu, trong đó các thông tin, câu trích dẫn quan trọng đều được làm nổi bật, làm tăng sức truyền tải nội dung cho bài viết.
Bản thân tôi và nhóm tác giả rất vui và vinh dự khi nhận được giải thưởng lớn trao trong những ngày đầu tiên của năm mới 2024. Đối với tôi, một phóng viên nghị trường theo dõi Quốc hội, Giải thưởng này có ý nghĩa đặc biệt hơn rất nhiều. Đây là động lực để tôi và anh em trong nhóm tiếp tục nỗ lực, phấn đấu tốt hơn trong thời gian tới.
Tác giả Lê Tuyết – Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Thời sự (VOV1) với Loạt bài: “Tăng phân cấp, trao niềm tin”:
Thước đo hiệu quả nhất của mỗi chính sách, nghị quyết chính là niềm vui, hạnh phúc của người dân
Ý tưởng thực hiện tác phẩm xuất phát từ việc Quốc hội tiến hành giám sát cả ba Chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng với từ thực tế, tại các địa phương đến nay đã qua hơn nửa chặng đường triển khai ba Chương trình mà cán bộ các cấp ở địa phương vẫn chưa hết lúng túng, loay hoay, có tiền nhưng không tiêu được, thậm chí phải xin trả lại vốn cho trung ương bởi rất nhiều nguyên nhân.
Thời gian để thực hiện loạt bài này là khoảng 15 ngày từ lên ý tưởng, đi cơ sở và làm hậu kì. Để thực hiện loat bài này, nhóm chúng tôi đã chia làm hai nhóm, một nhóm đi Hà Giang và một nhóm đi Quảng Bình cùng một thời điểm. Đây là hai địa phương vùng khó khăn nhất. Có những ngày chúng tôi đã phải di chuyển trên xe với khoảng thời gian 13-14 tiếng. Đường đèo núi quanh co. Các phóng viên trong nhóm vẫn thường nhắn tin hỏi thăm nhau là “hôm nay dùng hết mấy chai thuốc chống say, có say không?”
Và quá trình tác nghiệp khi phỏng vấn người dân cũng rất khó khăn, có những người dân ở xã Pà Vầy Sủ, xã biên giới xa nhất của Xín Mần, chúng tôi đã phải thuyết phục gần 1 tiếng đồng hồ mà không thể thu âm được gì. Lúc đó mặc dù trời đã tối chúng tôi vẫn phải tiếp tục nhờ các cán bộ cơ sở đưa đến một hộ người dân khác để phỏng vấn.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất may mắn bên cạnh đó cũng gặp những nhân vật, những cán bộ xã và Chủ tịch tỉnh như tỉnh Hà Giang đều là những người rất tâm huyết và trăn trở với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia này.
Thông qua loạt bài, chúng tôi mong muốn được mang tiếng nói của thực tiễn, đó là ý kiến của ở cơ sở, của những cán bộ thực thi công việc này để cùng nhận diện và có phương hướng giải quyết một cách hữu hiệu nhất.
Nhất là việc tại kỳ họp gần đây nhất của Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết đặc thù cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện trước đó.
Với chúng tôi những phóng viên thực hiện loạt bài này sẽ thấy vui hơn, nếu như sau hơn hai năm nữa với những cơ chế chính sách đặc thù mới của Quốc hội, các địa phương sẽ không còn cảnh lúng túng, loay hoay trong việc giảm nghèo nữa, và sẽ không còn những cán bộ xã đã phải tự ví mình là cán bộ “hứa” nữa, mà thay vào đó sẽ có nhiều hơn nữa những tiếng cười nói vui vẻ, hạnh phúc như những người dân thu hoạch cải ở Xín Mần, Hà Giang mà trong loạt bài này chúng tôi đã đề cập. Bởi, thước đo hiệu quả nhất của mỗi chính sách, nghị quyết đó chính là niềm vui, hạnh phúc của người dân.
Hoàng Anh (thực hiện)