“Vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn và doanh nghiệp sở hữu nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng phủ sóng các sân bay, bán đồ ăn giá “hàng hiệu”
Nhắc đến Jonathan Hạnh Nguyễn, hầu hết đều chỉ biết doanh nhân này nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam. Nhưng ít ai biết, doanh nhân này còn nắm trong tay hệ sinh thái kinh doanh đa lĩnh vực là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).
IPPG là một tập đoàn hoạt động tại nhiều quốc gia, với hạt nhân chính là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP). Công ty này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại tòa nhà Opera View 161 Đồng Khởi, Quận 1, TP HCM, với ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da. Trong đó ông Johnathan Hạnh Nguyễn và vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên sở hữu 60% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại được chia đều cho ông Nguyễn Phi Long và ông Nguyễn Quốc Khánh, mỗi người nắm giữ 20%.
Theo giới thiệu, IPPG đã phát triển “hệ sinh thái” lên tới 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Tập đoàn đã chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp & trung cấp, sở hữu hơn 1.200 cửa hàng.
Bên cạnh việc kinh doanh những mặt hàng xa xỉ, một mắt xích quan trọng khác trong chuỗi giá trị dịch vụ ngành hàng không của hệ sinh thái “nhà” Johnathan Hạnh Nguyễn là Công ty TNHH Autogrill VFS F&B.
Theo đó, Autogrill VFS F&B được thành lập từ năm 2013 là liên doanh giữa Autogrill và Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam. Người đại diện pháp luật công ty này hiện tại là ông Trương Thanh Tùng với chức danh Tổng giám đốc. Vốn điều lệ của doanh nghiệp đang ở mức 104 tỷ đồng, trong đó 70% là vốn nước ngoài, 30% là vốn tư nhân. Trong cơ cấu thành viên của mình, Autogrill VFS F&B còn có doanh nghiệp “họ hàng” là những công ty đều có liên quan tới hệ sinh thái của nhà Johnathan Hạnh Nguyễn.
Hiện các thương hiệu quốc tế nổi tiếng của Autogrill VFS F&B bao gồm chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn thứ hai thế giới – Burger King, thương hiệu gà rán 45 năm tuổi – Popeyes Louisiana Kitchen, chuỗi cửa hàng cà phê Costa Coffee, và một trong những chuỗi nhà hàng nổi bật nhất Châu Á – Crystal Jade Kitchen. Hiện Autogrill VFS F&B cũng phủ sóng tại các sân bay với các thương hiệu như: phở Big Bowl, Bánh mì kẹp, Saigon Cafe.Bar.Kitchen, và Hanoi Cafe.Bar.Kitchen và bán các sản phẩm với giá “hàng hiệu”.
Từng kiếm nghìn tỷ mỗi năm nhờ kinh doanh dịch vụ tại sân bay, hiện doanh nghiệp sở hữu quán phở Big Bowl có giá “hàng hiệu” kinh doanh thế nào?
Quán phở Big Bowl trước giờ vốn khá âm thầm và kính tiếng, ít người biết, nhưng lại là một trong những thương hiệu độc quyền bán tại sân bay, thuộc chuỗi cửa hàng dịch vụ của Autogrill VFS F&B. Do có lợi thế, các cửa hàng của doanh nghiệp này luôn được đặt ở vị trí đắc địa và bán các sản phẩm với mức giá được coi là “hàng hiệu” nếu so sánh với những bát phở thông thường.
Do đó, theo tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, khi có vị thế “độc tôn” như vậy, không quá bất ngờ khi kết quả kinh doanh của Autogrill VFS F&B ghi nhận từ năm 2015 đến 2019, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi từ 500 tỷ đồng lên 1.158 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng tăng từ 76 tỷ đồng lên 286 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình mỗi ngày các quán ăn này mang về lợi nhuận tới gần 800 triệu đồng. Tỉ suất lợi nhuận của Big Bowl tại thời điểm này đã đạt đến 25%, cao hơn rất nhiều so với các đơn vị kinh doanh cùng ngành hàng.
Tuy vậy, trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19, số lượng chuyến bay nội địa hay quốc tế bị hoãn, hủy khá nhiều nên khiến doanh thu của Autogrill VFS F&B sụt giảm nhanh chóng. Trong năm 2021, doanh thu của Autogrill VFS F&B chỉ đạt 85 tỷ đồng, tức là chưa bằng 1/10 so với thời điểm trước dịch. Doanh thu không đủ bù đắp chi phí, doanh nghiệp này lỗ ròng 2 năm liên tiếp, lần lượt 114 tỷ năm 2020 và 137 tỷ năm 2021. Kết quả này đã khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn vỏn vẹn 12 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Sang năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Ngành hàng không nói chung cũng bắt đầu phục hồi và kết quả kinh doanh của Autogrill VFS F&B cũng có sự cải thiện. Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp này tăng vọt trở lại mức trên 550 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu về 65 tỷ đồng, khả quan hơn so với các khoản lỗ hơn trăm tỷ trong giai đoạn 2020-21 nhưng chưa bằng 1/3 so với kết quả đạt được năm 2019. Vốn chủ sở hữu cũng đã tăng trở lại, đạt 77 tỷ đồng vào cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn nhiều giai đoạn trước. Quy mô tài sản của Autogrill VFS F&B cũng đã bị thu hẹp đáng kể so với trước dịch, còn 266 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, tức là chỉ bằng một nửa so với giai đoạn cực thịnh 2018-2019.
Kinh doanh hàng hiệu bất ngờ báo lỗ?
Bên cạnh hệ sinh thái trong ngành dịch vụ hàng không đã từng bước “cất cánh” trở lại, chuyển từ lỗ sang lãi, thì ngược lại hoạt động bán hàng hiệu của “họ” nhà Johnathan Hạnh Nguyễn lại chuyển từ lãi sang lỗ.
Theo đó, Công ty cổ phần Thời trang và mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) là một cái tên không thể bỏ qua trong hệ sinh thái của Johnathan Hạnh Nguyễn. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 200 tỷ đồng do bà Lê Hồng Thuỷ Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là người đại diện pháp luật. DAFC chuyên kinh doanh các sản phẩm cao cấp của thương hiệu Rolex, Cartier, Burberry,…
Nửa đầu năm 2023, DAFC lỗ sau thuế khoảng 7,4 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi ngày doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu này lỗ cỡ 41 triệu đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, công ty lãi tới 130,6 tỷ đồng. Tương đương mức lãi 726 triệu đồng mỗi ngày. Có thể thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp chuyên buôn hàng hiệu này đã sụt giảm rõ rệt chỉ sau một năm.
Thời điểm giữa năm 2023, DAFC giảm nhẹ hệ số nợ phải trả về mức 1,42 lần so với mức 1,56 lần cùng kỳ năm ngoái. Với mức vốn chủ sở hữu khoảng 570 tỷ đồng, nợ phải trả tại ngày 30/6/2023 vào khoảng 810 tỷ đồng. Việc chuyển từ lãi sang lỗ khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) vì thế cùng giảm mạnh từ 22,87% về mức âm 1,3%.