Sáng 7.1 tại Đường sách TP.HCM, nhà báo Cù Mai Công đã có những chia sẻ thú vị về vô vàn những ký ức về một Sài Gòn rất xưa. Ông như một kho tư liệu quý về Sài Gòn – Gia Định và Ông Tạ với nhiều chi tiết thú vị.
Nhà báo Cù Mai Công từng được độc giả biết đến như một cây bút viết phóng sự nổi tiếng với loạt 6 tập sách Sài Gòn by night và những trang viết về tuổi học trò trên tập san Mực tím. Ông cũng hoàn thành cho riêng mình 4 tác phẩm về Sài Gòn – TP.HCM, mới nhất là Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2 – tập sách dày gần 300 trang, do First News và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, .
Tâm sự với độc giả tại buổi giao lưu, nhà báo Cù Mai Công bộc bạch: “Sài Gòn không phải của riêng ai, vì vậy mỗi người đến đây không phải vì tác giả mà vì niềm yêu Sài Gòn mà đến. Khi chúng ta yêu ai, chúng ta thuộc về người đó. Vì chúng ta yêu Sài Gòn nên chúng ta cũng thuộc về Sài Gòn, cũng là người Sài Gòn rồi”.
Từng biết đến Cù Mai Công qua các bộ sách về Sài Gòn: Sài Gòn by night, Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó!, và gần nhất là Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương… hẳn bạn đọc sẽ không ngạc nhiên vì độ giản dị và “bụi bụi” của Cù Mai Công. Và chính chất giản dị đó lại càng làm cho buổi giao lưu trở nên thân tình, thú vị.
Cù Mai Công chạy lên chạy xuống, thậm chí ngồi xổm luôn ở khán đài để kể cho bạn đọc nghe những ký ức của một Sài Gòn rất xưa. Ông nói: “Tôi cảm thấy run sợ khi viết về Sài Gòn. Tôi hoàn toàn không khiêm tốn. Không phải riêng tôi mà rất nhiều người ở Sài Gòn khác cũng vậy. Không một ai dám xưng mình là nhà Sài Gòn học vì nó quá rộng lớn”.
Theo nhà báo Cù Mai Công, khi ra mắt Gia Định là nhớ – Sài Gòn là thương 1 vào cuối năm 2022, ông không dám kỳ vọng lớn lao về việc nó sẽ như một ghi chép về khảo cứu hay lịch sử, mà chỉ mong đó như “một thước phim để mọi người tìm lại thời thanh xuân tươi đẹp của mình giữa một Sài Gòn rực rỡ, vừa như một chuyến du hành ngược thời gian để cùng tìm về một Gia Định trầm mặc, hoang sơ của những ngày đầu”.
Còn với Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2, tác giả tiết lộ: “Tôi mon men lên Sài Gòn từ hồi bảy, tám tuổi và sống, làm việc ở trung tâm thành phố (Nhà Văn hóa Thanh Niên, tòa soạn Báo Khăn quàng đỏ – Mực tím) hơn 40 năm. Sống đâu yêu đó. Và đã yêu thì ai lại không tìm hiểu. Nhưng tìm hiểu không chỉ để tìm hiểu, để nhìn lại quá khứ mà để yêu hơn, tin hơn một Sài Gòn – TP.HCM luôn tươi mới, hiện đại và nghĩa tình với nếp nhà Gia Định xưa: luôn trọng lễ nghĩa, tìm tòi cái mới và đặc biệt là yêu thương, chia sẻ”.
Buổi giao lưu của nhà báo Cù Mai Công và “những người vì yêu Sài Gòn mà đến” tại Đường sách TP.HCM còn mang cảm giác hoài niệm xen lẫn yêu thương về vùng đất Sài Gòn. Mọi người cùng ông trò chuyện với mong muốn hiểu thêm, biết thêm về mảnh đất mà mình đang sống. Nói như độc giả Minh Tâm (66 tuổi): “Tôi rất biết ơn tác giả Cù Mai Công vì đã rất tâm huyết khi gom góp những hình ảnh, tư liệu này để giúp tôi biết thêm về Sài Gòn mình, xa xưa và đẹp đến thế”.