Lãi 1 tuần bằng 8,3 năm gửi tiết kiệm
Thị trường tài chính đã trải qua tuần đầu tiên của năm mới 2024 đầy biến động. Trong đó, vàng, ngoại tệ dường như “yếu thế” hơn so với chứng khoán. Sau 1 tuần giao dịch, VN-Index tăng 24,75 điểm, tương đương 2,19% so với phiên cuối cùng của năm 2023 lên 1.154,68 điểm.
Dù VN-Index chỉ tăng 2,19% nhưng thị trường ghi nhận nhiều cổ phiếu có đà bứt phá vượt trội so với mặt bằng chung, đặc biệt là các mã trên sàn Hà Nội và UpCOM.
Tính chung trên toàn thị trường chứng khoán, sau 1 tuần giao dịch, NDW của Công ty cổ phần Cấp nước Nam Định được ghi nhận là cổ phiếu có đà tăng mạnh nhất. NDW tăng 2.600 đồng/CP, tương đương 40% lên 9.100 đồng/CP.
Hiện tại, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm. Như vậy, phải gửi tiết kiệm 8,3 năm, nhà đầu tư mới đạt được lợi nhuận tương đương 1 tuần của NDW.
Có đà tăng mạnh thứ hai là cổ phiếu TKG của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh. Tuần qua, thị trường trải qua 4 phiên giao dịch thì TKG tăng trần 3 phiên và đứng giá 1 phiên.
Sau 1 tuần giao dịch, TKG tăng 2.800 đồng/CP, tương đương 34,1% so với phiên cuối cùng của năm 2023.
Tăng nhẹ hơn một chút so với TKG là cổ phiếu BED của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng. Đóng cửa cuối tuần này, BED dừng ở mức 18.900 đồng/CP sau khi tăng 4.600 đồng/CP, tương đương 32,2%. Nhờ đó, vốn hóa thị trường BED có thêm 14,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu PRC của Công ty Cổ phần Logistics Portserco cũng đã có một tuần thành công rực rỡ với 3 phiên tăng trần và 1 phiên giảm nhẹ. Sau tuần đầu tiên của năm 2024, PRC tăng 6.900 đồng/CP, tương đương 30,8% lên 29.300 đồng/CP.
Tăng mạnh nhưng không dành cho số đông
Mặc dù tăng rất mạnh nhưng các cổ phiếu kể trên không dành cho số đông vì có thanh khoản vô cùng thấp.
NDW mang lại lợi nhuận 40% chỉ sau 1 tuần nhưng trên thực tế, tất cả đà tăng đều diễn ra trong phiên 2/1. Đáng chú ý, trong ngày đặc biệt này, NDW ghi nhận chỉ có… 100 cổ phiếu, tương đương… 910.000 đồng được giao dịch thành công. Trong tất cả các phiên còn lại, NDW không hề phát sinh giao dịch.
NDW là cổ phiếu… siêu trà đá trên thị trường chứng khoán. NDW có chuỗi thời gian dài đứng xa mệnh giá. Đồng thời, công ty có vốn hóa thị trường chỉ là 311 tỷ đồng.
Mặc dù có giao dịch sôi động hơn NDW nhưng TKG cũng không dành cho số đông. Nhìn vào diễn biến giao dịch, có thể thấy, các cổ đông lớn kiêm lãnh đạo công ty này đang có xu hướng “thâu tóm”.
Cụ thể, trong những ngày đầu tiên của năm 2024, hai cổ đông lớn là Vũ Khánh Hòa và Đinh Thị Thùy đã mua thành công 262.000 và 380.000 cổ phiếu TKG. Đây là những con số lớn vì tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của TKG chỉ là hơn 6,3 triệu đơn vị.
Ngoài ra, từ ngày 1/12/2023, ông Đặng Minh Khôi được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc công ty. Tới cuối tháng 11, ông Khôi đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu TKG, tương đương 15,9% vốn TKG. Ngày 2/1, công ty ông Khôi chưa mua được cổ phiếu nào nhưng trong ngày 3/1, khối lượng giao dịch TKG tăng vọt từ 446.631 cổ phiếu lên hơn 1 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, BED dù tăng tới 32,2% nhưng rất ít nhà đầu tư được hưởng lợi vì quy mô của BED vô cùng khiêm tốn. Hiện tại, khối lượng cổ phiếu lưu hành của BED chỉ là… 3 triệu đơn vị. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên mã này chỉ là… 930 đơn vị. Gần đây nhất, trong phiên 5/1, chỉ có… 100 cổ phiếu BED được trao tay.
Xét về vốn điều lệ, PRC đang “ở đáy” khi chỉ có 1,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương vốn điều lệ 12 tỷ đồng. Vì vậy, không nhiều nhà đầu tư được hưởng lợi khi PRC tăng mạnh. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của PRC chưa đến 13.000 đơn vị.