Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một thực phẩm nổi tiếng của Quảng Nam và Đà Nẵng, đó là món thịt heo Đại Lộc cuốn bánh tráng ăn với rau xanh các loại. Những ngày này, khi du khách đến Quảng Nam, Đà Nẵng, hỏi bất cứ người trưởng thành nào về địa chỉ của một quán thịt heo- bánh tráng Đại Lộc, họ sẽ đọc cho bạn nghe một danh sách dài những quán.
Điều đó không có nghĩa là toàn bộ quán thịt heo- bánh tráng đều do người Đại Lộc làm chủ, mà còn có người ở Đà Nẵng, Quảng Nam, kinh doanh món ăn này.
Tìm hiểu vì sao thịt heo của Đại Lộc, một huyện phía tây của Quảng Nam, cách Đà Nẵng 25km, được người dân địa phương ưa chuộng là do huyện này người dân có nghề trồng đậu phộng ép dầu. Bã xác dầu được băm nhỏ, nấu với tất cả rau xanh, sau đó trộn với cám gạo làm thức ăn cho heo. Có thể nói từ khi còn là heo con cho đến khi xuất chuồng, con heo ở Đại Lộc chỉ ăn rặt nguồn thực phẩm ấy nên thịt rất thơm (mùi thơm của thức ăn hữu cơ). Người Đại Lộc lại không có thói quen nuôi heo thật to mà bán khi heo vừa ngoài ba mươi lăm ký. Vì vậy, thịt heo rất ít mỡ. Thịt heo Đại Lộc cùng với bánh tráng Đại Lộc làm nên món ăn dân dã nhưng khá nổi tiếng ở hai địa phương trên, chỉ thua thịt gà Tam Kỳ đã đi thật xa về phương Nam và tại Phan Thiết có vài cửa hàng treo bảng bán thịt gà Tam Kỳ.
Trở lại câu chuyện thịt heo cỏ Hàm Thuận Bắc. Đây là giống heo cỏ địa phương, được người dân nuôi nhiều (đặc biệt là đồng bào các dân tộc các xã: Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ….). Trọng lượng con nhỏ. Trung bình heo con: 0,3 – 0,4 kg; cái trưởng thành: 30 – 35 kg; heo đực trưởng thành: 40 – 50 kg. Da mỏng, lông thưa, đen toàn thân. Mõm dài, xương nhỏ.
Nhằm bảo tồn giống heo cỏ này, trong 3 năm (2017-2020), Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Bắc phối hợp với 11 gia đình tại thôn Dân Hòa, xã Thuận Hòa nuôi 30 con heo cỏ, gồm 3 đực, 27 cái, theo chương trình: “Chăn nuôi heo cỏ địa phương an toàn dịch bệnh”. Người nuôi heo được nhân viên thú y hướng dẫn chăm sóc, phòng ngừa một số bệnh thường mắc ở heo con, heo trưởng thành.
Anh Lê Khánh Vân, cán bộ thuộc Cảng cá thị xã La Gi, thường xuyên mua heo cỏ Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh làm tiệc tất niên và cung cấp cho cửa hàng riêng của anh tại khu du lịch Cam Bình, nhận xét: “Heo cỏ của Hàm Thuận Bắc thịt săn và hồng tự nhiên. Khi cắt ra để lâu vẫn không nghe mùi hơi nồng nhẹ như một số thịt heo ngoài thị trường. So với thịt heo ngoài thị trường, giá thịt heo cỏ đắt hơn từ 15-20%, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận”.
Từ hai câu chuyện vừa nêu, cho phép chúng ta nghĩ đến tương lai của thịt heo cỏ Hàm Thuận Bắc, nếu như người dân được hướng dẫn cách nuôi, cách quảng bá về thịt heo cỏ. Và xa hơn nữa, thịt heo cỏ Hàm Thuận Bắc có mặt trong danh sách thực phẩm của ngành du lịch Bình Thuận; của các hàng, quán ăn với món thịt heo cỏ xào lăn, thịt heo cỏ cuốn bánh tráng Phú Long như một vài nơi đã làm. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng nếu có quyết tâm dám làm, dám nghĩ thì đường đi sẽ hiện ra trước mắt.