Ngày 6/1, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Chính phủ tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với gần 700 cử tri đại diện cho công nhân, viên chức, người lao động tại Hải Phòng.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng ghi nhận các ý kiến cử tri đã nêu, kiến nghị về các vấn đề như tăng thêm ngày nghỉ lễ trong năm (cụ thể là thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh để kỳ nghỉ kéo dài liên tục từ ngày 2-5/9); hạ thấp tuổi nghỉ hưu với giáo viên mần non so với tuổi nghỉ hưu chung quy định trong Bộ luật Lao động 2019.
Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xác định rõ mức sống tối thiểu của người lao động theo vùng thực tế để có cơ sở quy định mức lương tối thiểu hợp lý, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Quy định tuổi nghỉ hưu hài hòa để đảm bảo mức sống người lao động
Được sự phân công của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trực tiếp đối thoại với cử tri là công nhân, người lao động, giải đáp các vấn đề nêu ra.
Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội giải thích, vấn đề bổ sung 2 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh, ngoài ý nghĩa động viên người lao động thì sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động vì đó là 2 ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động.
Ông nhấn mạnh, khi so sánh về thời gian nghỉ lễ, tết giữa các quốc gia cũng cần so sánh tương quan với tổng quỹ thời gian làm việc trong năm theo quy định của pháp luật (bao gồm tổng số giờ làm việc và số giờ làm thêm tối đa).
So sánh, đánh giá năng lực cạnh tranh về lực lượng lao động thì thấy hiện tại, tổng quỹ thời gian làm việc của Việt Nam còn thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và châu Á.
Bộ trưởng dẫn chứng những số liệu thống kê của trang OurWorldinData.org. Theo đó, tổng quỹ thời gian làm việc trong năm của người lao động tại Việt Nam năm 2017 là 2.170 giờ/năm, ít hơn so với một số quốc gia trong khu vực châu Á như Campuchia (2.456 giờ/năm), Myanmar (2.438 giờ/năm), Malaysia (2.238 giờ/năm), Singapore (2.238 giờ/năm), Thái Lan (2.185 giờ/năm), Trung Quốc (2.174 giờ/năm).
Vì vậy, với kiến nghị bổ sung ngày nghỉ trong năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phải phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, một số Hiệp hội doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động kinh tế – xã hội và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Về kiến nghị hạ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích, chế độ hưu trí hay được gọi là chế độ tuổi già, là một trong các chế độ cơ bản của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng cho người lao động khi hết tuổi làm việc.
Theo quy định của pháp luật về BHXH, để được hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH nhằm đảm bảo hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ, từ đó đảm bảo sự cân đối và bền vững lâu dài của Quỹ BHXH.
“Vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận, thống nhất. Trung ương đã thông qua nội dung này tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018. Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu này, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó Điều 169 và Điều 219 quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Căn cứ xác định mức sống tối thiểu
Vấn đề xác định mức sống tối thiểu của người lao động theo vùng, người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải thích, theo quy định của Bộ luật Lao động, Chính phủ chỉ quy định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất được trả cho người lao động.
Thực tế, tiền lương của người lao động do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, mức lương cao hay thấp phụ thuộc vào trình độ, vị trí công việc mà người lao động đảm nhận, năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc.
Điều 91 Bộ luật Lao động quy định, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình; dựa trên tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; dựa trên chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; trên quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và phân công của Chính phủ, Hội đồng tiền lương quốc gia đã xây dựng phương pháp xác định mức sống tối thiểu của người lao động vào báo cáo Chính phủ.
Trong đó, mức sống tối thiểu được xác định để đảm bảo cho người lao động có thể chi trả được các khoản phí cơ bản nhất về: lương thực, thực phẩm; nhà ở; giáo dục, y tế; nhu cầu ăn mặc, đi lại; chi phí nuôi 1 người con (dựa trên quy mô hộ gia đình Việt Nam là 4 người, trong đó mỗi người lao động nuôi 1 người con)…
Theo tính toán của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức sống tối thiểu năm 2022 của 1 người lao động tại vùng I (vùng cao nhất) là 4.680.000 đồng/người/tháng, vùng IV (thấp nhất) là 3.250.000 đồng/người/tháng. Tổng mức sống tối thiểu của hộ gia đình tại vùng I là 9.360.000 đồng/tháng, vùng IV là 6.500.000 đồng/tháng.
Với nội dung cử tri đề nghị tăng cường thanh kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp vi phạm chế độ dành cho lão động nữ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định việc này vẫn được thực hiện thường xuyên. Quá trình thanh tra chưa phát hiện những vi phạm đến mức phải xử lý hành chính, hính sự.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy sai phạm thường gặp trong lĩnh vực này là doanh nghiệp chưa giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo với lao động nữ.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ đốc thúc hơn nữa việc giám sát nội dung thực hiện chính sách, pháp luật, chế độ liên quan đến lao động nữ và đề xuất biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm.