Mới đây, trên một số trang mạng xã hội lan truyền hình ảnh một cô giáo bị ngã sõng soài bên chiếc xe máy, nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người trong những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội là cô Lê Sương Sương, giáo viên cắm bản Sắt, thuộc Trường Mầm non Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Theo chia sẻ của cô Sương, cách đây không lâu, trên đường vào bản Sắt dạy học, vì đường trơn, ngập bùn đất nên không may cô bị ngã, yên xe vốn đã hỏng rơi khỏi xe. Lúc này, một số người dân địa phương đi nhổ sắn về đã đỡ cô Sương dậy và dựng lại xe, họ tiện tay chụp một số hình ảnh.
“Ngã nhưng may mắn là tôi không bị thương, thấy mấy hình ảnh người dân chụp cũng buồn cười nên tôi đăng lên mạng cho vui. Không ngờ nhiều trang mạng dẫn lại, nhiều người cũng bình luận chia sẻ, động viên”, cô Sương cho biết.
Cô Sương là người con của xã vùng biên Trường Sơn, sau khi rời giảng đường, cô trở về địa phương công tác. Hơn 2 năm nay, cô Sương được phân công đứng lớp ở điểm trường bản Sắt, một bản nghèo, gần như biệt lập với vùng trung tâm. Cư dân của bản phần lớn là đồng bào Bru-Vân kiều.
Điểm trường bản Sắt, nơi cô sương công tác cách trung tâm 17km, có 15 cháu với 3 độ tuổi. Ở bản Sắt chưa có điện lưới, đường vào bản nhiều đoạn dốc cao, bùn lầy lội, heo hút. Trong hành trình vào bản dạy học, cô Sương không ít lần ngã trong bùn lầy, phải cuốc bộ vì xe hỏng.
“Ngã như vậy là vì đường trơn mà mình không trụ chân được. Có những lần xe hỏng giữa đường phải bỏ xe lại rồi đi bộ vào bản cho kịp giờ, sau đó nhờ dân bản hỗ trợ sửa xe để về nhà. Trách nhiệm công việc một phần, nhưng cũng thương các con, muốn góp phần chăm sóc, nuôi dạy những người sẽ làm đổi thay vùng đất này trong tương lai”, cô Sương chia sẻ thêm.
Những hình ảnh về cô Sương sau khi lan truyền trên mạng xã hội Facebook đã nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận. Đa số đều bày tỏ sự cảm phục, chia sẻ những khó khăn, vất vả và dành nhiều lời động viên đến cô Sương và các giáo viên vùng cao.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, cô Hoàng Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trường Sơn, cho biết trường có 1 điểm chính và 12 điểm lẻ. Do các bản nằm cách xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn nên giáo viên thường phải vào từng bản để dạy học.
Do đường xa, đi lại khó khăn nên hầu hết giáo viên cắm bản ở lại điểm trường, đến cuối tuần mới ra điểm trung tâm. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống của bà con cũng dần chuyển biến tốt nhưng còn nhiều khó khăn.
Xã Trường Sơn có diện tích rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, có những bản cách rất xa trung tâm xã. Hơn 60% dân cư nơi đây là bà con đồng bào Bru-Vân Kiều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng.