Ở chiều lạc quan, nhiều công ty chứng khoán nhận định VN-Index có thể biến động quanh vùng 1.450-1.500 điểm, song ở kịch bản thận trọng, chỉ số này sẽ chỉ tiến sát mốc 1.300 điểm.
Độc giả có thể xem thêm khuyến nghị đầu tư tại đây.
Đưa ra kịch bản lạc quan nhất, theo báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024, Chứng khoán Mirae Asset nhận định tại kịch bản nền kinh tế phục hồi mạnh và EPS 2024 tăng trưởng 13%, chỉ số VN-Index có thể giao dịch tại vùng 1.400 điểm. Nếu nền kinh tế tăng trưởng rất mạnh với EPS tăng 19,6%, VN-Index có thể chạm mốc 1.500 điểm.
Cũng chia hai kịch bản cho thị trường chứng khoán năm nay, chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự báo năm 2024 VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm, tương ứng mức tăng trưởng 10% tại kịch bản cơ sở. Còn theo kịch bản khả quan hơn, mức tăng trưởng toàn thị trường từ 15% sẽ dẫn dắt VN-Index lên mức 1.450 điểm.
Năm 2024, TPS cho rằng chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn do nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 9-10/2023 đã đưa định giá của VN-Index theo P/E từ 14,87 lần về mức 13,29 lần ở thời điểm cuối tháng 11/2023.
Ngoài kịch bản tăng trưởng ở quanh vùng 1.450-1.500 điểm, nhiều chuyên gia hay công ty chứng khoán cũng nhận định, chỉ số đại diện sàn HoSE có thể chỉ biến động nhẹ ở mức 1 .300 điểm trong năm 2024.
Về góc nhìn cho cả năm 2024, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích, Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT dự báo, trong kịch bản cơ sở, VN-Index năm 2024 sẽ tăng trưởng 15%, đạt 1.300 điểm, biên độ dao động 20 điểm.
Điều kiện cho kịch bản này là kinh tế Việt Nam hồi phục tốt 2024 trong bối cảnh kinh tế Mỹ hạ cánh mềm; rủi ro trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản ở mức hạn chế; dòng vốn ngoại trở lại từ cuối quý II/2024. Một số nhóm ngành đang có triển vọng như xây lắp điện, thủy sản, dầu khí, chứng khoán…
Xu hướng phục hồi của chứng khoán Việt quanh vùng 1.300 điểm cũng là dự báo Chứng khoán KB (KBSV) và Chứng khoán Vietcombank (VCBS).
Báo cáo nhận định thị trường năm 2024 của KBSV cho rằng, thị trường sẽ có xu hướng hồi phục rõ nét hơn, giao dịch ở vùng giá mục tiêu 1.330 điểm. Đồng quan điểm, VCBS dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt đỉnh tại vùng 1.300 điểm trong năm 2024. Tuy nhiên, VN-Index có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những phiên tăng điểm.
KBSV xác định câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp niêm yết là động lực tăng trưởng của thị trường. “Dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước trong khoảng 15-20% trong năm 2024, dựa trên nền năm 2023 thấp và yếu tố về định giá thị trường” báo cáo viết. Cụ thể, P/E thị trường hiện ở mức 15 lần – mức trung tính và là cơ sở để đánh giá thị trường năm 2024 sẽ có chuyển biến tốt hơn.
Ngoài bốn yếu tố trên, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Về dài hạn, theo VCBS, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) lẫn gián tiếp (FII).
Rủi ro trong nước đáng chú ý nhất được KBSV nhìn nhận đến từ đến từ áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 ở mức cao kỷ lục; xuất hiện các sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng tương tự sự kiện SCB; triển vọng thị trường bất động sản kém tích cực hơn kỳ vọng.
Thận trọng nhất, theo báo cáo phân tích thị trường chứng khoán năm 2024 của Công ty chứng khoán MB (MBS), chỉ số đại diện sàn HoSE năm nay có thể tăng lên ngưỡng 1.250-1.280 điểm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm chạm “đáy”.
“Định giá thị trường hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn”, báo cáo đánh giá.
Có bốn yếu tố thúc đẩy thị trường được công ty này chỉ ra gồm việc FED điều chỉnh lãi suất, tình hình kinh doanh tốt lên của các doanh nghiệp niêm yết, nút thị trường bất động sản ấm lên và hệ thống KRX được đưa vào vận hành
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường vẫn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro. MBS chỉ ra, việc thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán.
Năm 2023, chứng khoán hạ màn ở sát mốc 1.130 điểm, tăng 248 điểm, tương đương 12,2% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên diễn biến của thị trường không phải một đường đi lên.
Chỉ số của sàn HoSE tăng mạnh trong tháng đầu tiên của năm rồi chững lại, đi ngang cho tới cuối tháng 4. Ba tháng sau đó, VN-Index vọt hơn 20%, từ vùng 1.035 lên gần 1.250 điểm. Dù vậy, mức đỉnh ngắn hạn không giữ được lâu. Sau đó, trong hai tháng 9-10/2023, VN-Index mất liên tục hơn 200 điểm, rồi biến động quanh mốc quan trọng 1.100 điểm.
Thị trường chứng khoán là kênh hấp dẫn dòng tiền của nhà đầu tư song luôn biến động không ngừng. Để xem thêm các nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024, độc giả có thể đón xem chuyên đề “Bức tranh kinh tế 2023 – 2024, kinh nghiệm vượt khó và sinh tồn trong thị trường Tài chính – Chứng khoán” trên eBox, nền tảng chia sẻ kiến thức đa lĩnh vực.
Trong 70 phút chương trình, chuyên gia sẽ lần lượt điểm qua các cột mốc quan trọng của thị trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm vượt sóng chứng khoán trong hai thập kỷ đầu tư.
Ở phần cuối của chương trình, chuyên gia đưa ra các dự báo cho nền kinh tế trong năm 2024 và những nhóm ngành triển vọng có thể đầu tư theo cả hình thức ngắn, trung và dài hạn. Người xem được hướng dẫn quan sát diễn biến của thị trường tài chính – chứng khoán qua đồ thị trực quan.Giá vé eBox chứng khoán hiện ở mức 549.000 đồng.
Người tham dự còn có thêm cơ hội nhận tư vấn với 100 câu hỏi gửi về sớm nhất sẽ được chuyên gia trực tiếp giải đáp. Khách mua từ hai vé nhận thêm ưu đãi từ 15-25%. Ban tổ chức cũng tặng thêm chương trình “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả” cho 100 người đăng ký sớm nhất và 50 đơn hàng may mắn.
Đăng ký vé eBox tại đây.
Thảo Vân