Trường hợp nào phải xác thực sinh trắc học?
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kể từ ngày 1/7/2024 mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.
Quyết định 2345 được NHNN ban hành từ tháng 12/2023 và đến tháng 7/2024 mới thực thi. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm thời gian để chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng đáp ứng các quy định mới trong giao dịch, nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như sự an toàn cho người dùng.
Trên thực tế, ngay từ tháng 4/2023, khi NHNN và Bộ Công an triển khai Kế hoạch số 01 đã đặt ra vấn đề định hướng của NHNN sẽ sử dụng sinh trắc học cho việc xác thực các giao dịch thanh toán. Thời hạn từ 1/7/2024 sẽ có hiệu lực với các NHTM, với ngân hàng “0 đồng” là sau đó 1 năm.
Nói về quy định trên, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN – cho biết, trong bối cảnh có nhiều hình thức gian lận như hiện nay, nhiều người dân không ý thức được việc bảo vệ dữ liệu cá nhân nên đã xuất hiện tình trạng mua/bán/thuê/mượn tài khoản, cho phép các đối tượng sử dụng.
“Chúng ta phải có trách nhiệm với tiền gửi của người dân. Chúng ta không thể để mở và sử dụng tài khoản tuỳ tiện, không đảm bảo chính chủ”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán nhấn mạnh.
Làm rõ hơn về quy định này, ông Phạm Anh Tuấn cho biết quy định chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền thông thường, không áp dụng với các giao dịch thanh toán mà ở đó bên nhận tiền đã là điểm đến rõ ràng.
“Ở đây tôi muốn làm rõ là giao dịch chuyển tiền”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh. “Còn tất cả các giao dịch thanh toán mà các đơn vị chấp nhận thanh toán, các TCTD, các trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Ví dụ thanh toán tiền điện, nước, thanh toán thuế, thanh toán phí giao thông,… tất cả những giao dịch có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu phải xác thực sinh trắc học”.
Đối với trường hợp giao dịch dưới 10 triệu đồng/lần giao dịch, Quyết định 2345 cũng nêu rõ tổng giá trị các giao dịch trong ngày dưới 20 triệu đồng sẽ không phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học.
Nếu tổng giá trị giao dịch thực hiện trong ngày quá 20 triệu đồng, giao dịch tiếp theo sẽ yêu cầu người chuyển tiền xác thực sinh trắc học, nhưng cũng chỉ phải xác thực sinh trắc học một lần khi vượt 20 triệu đồng.
“Như vậy là đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dùng vì chúng tôi xác định chuyển tiền khác với thanh toán”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Làm sạch dữ liệu, chống lừa đảo trong giao dịch trực tuyến
NHNN thời gian qua thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo rà soát và kiểm tra tất cả những hồ sơ tài khoản không khớp với giấy tờ tuỳ thân, nghiên cứu giải pháp sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư và khai thác dữ liệu trên CCCD gắn chip.
Đến cuối năm 2023, NHNN đã phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) làm sạch dữ liệu trên 42 triệu tài khoản liên quan đến cơ sở dữ liệu của CIC.
Có 53 tổ chức tín dụng (TCTD) đã phối hợp với các doanh nghiệp do Bộ Công an cấp phép nghiên cứu, phối hợp, đưa các giải pháp, thiết bị để xác thực người dùng.
43 TCTD đã và đang triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu thông qua việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có 9 TCTD đã đưa vào triển khai thực tế, 13 TCTD đang xây dựng quy trình nghiệp vụ để ứng dụng VNEID. Đây là nội dung đang được nghiên cứu để thử nghiệm với C06.
Ngoài ra, có 26 TCTD đang phối hợp với C06 để triển khai việc nhận biết căn cước công dân giả. 14 TCTD đã liên hệ với C06 để tìm hiểu thông tin và triển khai các giải pháp chấm điểm khả thi.
Đây là một trong những mục tiêu rất quan trọng, cuối năm 2023 NHNN đã gửi công văn đến tất cả các TCTD yêu cầu rà soát và triển khai sử dụng giải pháp này.
Kế hoạch số 01 được triển khai từ tháng 4/2023 giữa NHNN và Bộ Công an gồm 3 nội dung chính: Phối hợp làm sạch dữ liệu của những người mở tài khoản thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nghiên cứu, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin căn cước công dân gắn chip; Nghiên cứu sử dụng mã định danh VNEID trong việc mở và sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh 3 nội dung chính, một số nội dung như phổ cập các kiến thức, kỹ năng nhận biết dấu hiệu lừa đảo, phối kết hợp cung cấp thông tin liên quan đến nội dung về phòng chống rửa tiền, về tài khoản lừa đảo,… đến nay đã có kết quả được đánh giá tương đối tốt. |