Trong những tháng đầu tiên sau khi Nga đưa quân sang Ukraine hồi tháng 2.2022, làn sóng yêu nước đã dâng cao tại Ukraine và nhiều công dân nước này đã tình nguyện ra trận. Song thực tế tàn khốc ở chiến trường trong gần 2 năm qua giờ đây đã dẫn đến những tranh cãi gay gắt về kế hoạch động viên quân sự mới nhất của chính quyền Kyiv.
Vấn đề nhạy cảm
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng trước tiết lộ quân đội nước này muốn huy động thêm 500.000 người để chiến đấu với khoảng 600.000 binh sĩ Nga được triển khai ở Ukraine. Tuy nhiên, ông nói rằng ông cần nghe nhiều ý kiến trước khi đưa ra quyết định, vì chủ đề này đã trở nên rất nhạy cảm giữa lúc chiến dịch phản công nửa năm qua của Kyiv không đem lại kết quả như kỳ vọng và người dân ngày càng hao mòn vì xung đột.
Tổng tư lệnh Ukraine kêu gọi nghị sĩ nên tự nguyện ra trận
Ukraine có khoảng 850.000 binh sĩ trong hàng ngũ của mình và không tiết lộ tổn thất hoặc số lượng binh sĩ được triển khai ở mặt trận. Tuy nhiên, theo ước tính gần đây nhất của Mỹ được báo The New York Times công bố hồi tháng 8 năm ngoái, số người thiệt mạng lên tới gần 70.000 và số người bị thương lên tới 120.000.
Tinh thần xung phong lên đường chiến đấu ở Ukraine trong những tháng đầu chiến sự đã không còn nữa. Trong khi đó, những câu chuyện về việc lính tráng tìm cách đào ngũ xuất hiện thường xuyên hơn trên các phương tiện truyền thông Ukraine.
Sau thông báo của ông Zelensky, chính phủ Ukraine đã đệ trình một dự luật lên quốc hội nhằm hạ độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự từ 27 xuống 25, cũng như đơn giản hóa thủ tục nhập ngũ. Dù dự luật cắt giảm thời gian đi lính bắt buộc trong thời chiến – từ vô thời hạn xuống còn 36 tháng – dự luật cũng đưa ra các hình phạt mới đối với những người trốn quân dịch, chẳng hạn như hạn chế về giấy phép lái xe.
Ông Dmytro Lubinets, quan chức thanh tra nhân quyền của Ukraine, cảnh báo việc tăng thêm các hình phạt sẽ gây ra vấn đề. “Chúng ta không thể đi đến mức, trong khi chống lại Nga, chúng ta biến thành một thứ tương tự như Nga, nơi luật pháp không còn hiệu lực và hiến pháp chỉ là một tờ giấy”, ông Lubinets bình luận với AFP.
Kế hoạch động viên quân sự đã gây ra chia rẽ trong xã hội. “Cá nhân tôi phản đối những hình phạt khắc nghiệt như tịch thu tài sản”, AFP dẫn lời bà Olena, một cư dân 42 tuổi.
Sau phản ứng dữ dội, một số nhà lập pháp Ukraine và Tổng thống Zelensky đã đảm bảo nội dung dự luật sẽ được tranh luận và sửa đổi.
Ukraine lo cạn nguồn quân thay thế khi xung đột kéo dài
Một ủy ban quốc phòng của quốc hội Ukraine đã bắt đầu xem xét và thảo luận kín về kế hoạch động viên quân sự hôm 4.1. Ủy ban này có sự tham gia của Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny và Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Rustem Umerov.
“Chiến tranh là dành cho người nghèo”
Những thay đổi được đề xuất đối với chế độ quân dịch đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên mạng xã hội Ukraine, trong đó nhiều người đã đưa ra ý tưởng về cách tốt nhất để động viên quân sự.
Nhà lập pháp Mariana Bezugla của đảng cầm quyền đề xuất giải pháp là nộp một khoản tiền lớn vào ngân sách nhà nước để được miễn động viên.
“Còn những người không có tiền thì hãy để họ kêu la trong chiến hào và để con cái họ trở thành trẻ mồ côi…”, một người bình luận trên trang Facebook của bà Bezugla.
“Chiến tranh là dành cho người nghèo”, một người khác viết.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Tymofy Mylovanov nêu ra ý tưởng động viên theo kiểu xổ số, gợi nhớ cách chính phủ Mỹ chọn người đến Việt Nam trong cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ.
“Nhà nước chọn ngẫu nhiên một ngày, một tháng. Người sinh vào những ngày đó thì được huy động nhập ngũ”, ông cho biết.
“Một nhà thương điên”, luật sư, nhà hoạt động nổi tiếng Larysa Denysenko nói, cho rằng những đề xuất này “cực kỳ tai hại”.
Một số người kêu gọi luân chuyển binh sĩ và cho phép những người đã ở mặt trận lâu năm được giải ngũ.
Chứng nhân 10 năm xung đột miền đông Ukraine nói về cái giá quá lớn cho mỗi mét đất
Bà Lyudmyla, một giáo viên 50 tuổi, nói: “Nếu đây là vấn đề an ninh quốc gia thì tất cả mọi người, mọi công dân nên tham gia”.
“Chồng tôi đã tham chiến kể từ ngày 28.2. Con rể của tôi đang ở ngoài chiến trường. Tại sao có người phải ra trận còn những người khác thì không?”, bà đặt câu hỏi.
Một số người khác muốn có biện pháp khuyến khích người Ukraine ở nước ngoài trở về nước và chiến đấu.
Nhà văn Artem Chekh, người đã gia nhập quân đội Ukraine với tư cách tình nguyện viên, cho biết: “Không thể có công lý trong cảnh tàn sát này”.