Dẫu vậy, 75 nhà báo ở Gaza thiệt mạng đã đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong là 7,5% (75/1000), cao hơn nhiều so với tỷ lệ các binh lính thiệt mạng trong chiến sự này, cũng như các cuộc chiến lớn trong quá khứ.
Ngoài ra, còn có 4 nhà báo Israel thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 7 tháng 10 và 2 nhà báo người Lebanon thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng tên lửa gần biên giới Ai Cập, kể từ khi chiến sự Gaza bùng phát.
Các nhà báo ở Gaza phải sắm nhiều vai một lúc, từ phóng viên chiến trường, người dân trong chiến sự và cũng phải đối mặt với bom đạn không khác gì các binh lính. Trong khi Israel là một trong những đội quân hiện đại nhất thế giới, thì các nhà báo chỉ được trang bị máy ảnh, micro và sổ tay.
Có nhiều điểm khác biệt giữa binh lính và nhà báo. Những binh lính được huấn luyện chuyên sâu về cách tránh bom đạn và đặc biệt chữa trị chấn thương. Thương vong quân sự có thể được chăm sóc y tế trong vòng chưa đầy một giờ và tất cả các nghiên cứu đều công nhận rằng tỷ lệ sống sót phụ thuộc rất nhiều vào quy trình này. Nhưng các nhà báo không có điều đó.
Tất nhiên, cái chết của các nhà báo chỉ nói lên một nửa câu chuyện. Gần như tất cả họ đều mất nhà cửa, hàng trăm người mất người thân và tất cả đều không có đủ thức ăn và nước uống. Dẫu vậy, họ vẫn phải mang thiết bị trên vai từ hiện trường này sang hiện trường khác.
Hiện, do không có phóng viên quốc tế nào được phép vào Gaza, các nhà báo địa phương người Palestine đang là nguồn cung cấp tin tức trực tiếp duy nhất cho thế giới về cuộc sống và chiến sự ở vùng đất này.
Cuối cùng, các nhà báo ở Gaza còn khó khăn hơn cả người dân và binh lính, khi phải cần lều, túi ngủ, điện thoại, pin, nhiên liệu và thực phẩm để tác nghiệp. Trong khi đó, công đoàn các nhà báo Gaza (PJS) hiện đang chỉ là cơ quan duy nhất chuyển viện trợ cho họ kể từ khi xung đột bắt đầu.
Hoàng Hải (theo IFJ, MS)