Theo đó đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn có 2 câu và thang điểm là 20. Nội dung như sau:
Câu 1. Nghị luận xã hội (8,0 điểm)
Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay?
Câu 2. Nghị luận văn học (12,0 điểm)
“Các kiệt tác lớn là vô tận; mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình: như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng nó không có nghĩa khởi thủy, hay chủ ý tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện”.
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Đề thi nặng về tính văn học, thiếu hơi thở cuộc sống văn học
Với nội dung đề thi học sinh giỏi nói trên, giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), đánh giá 2 yêu cầu của 2 câu trong đề thi học sinh giỏi có sự chênh lệch quá lớn.
Thầy Đức Anh đánh giá: “Câu nghị luận xã hội có thể nói rằng quá nhẹ nhàng, dành cho đề kiểm tra của học sinh lớp 10, 11, không xứng đáng là đề thi học sinh giỏi quốc gia. Còn câu nghị luận văn học, thì câu chữ trừu tượng, nhìn thấy nặng nề, lớn lao, rất vô tận”.
Cũng theo thầy Đức Anh, đề thi môn ngữ văn này nặng về tính văn học mà thiếu đi hơi thở cuộc sống văn học.
Đề thi hay, tính phân hóa rất cao
Trong khi đó, thạc sĩ Phan Thế Hoài, dạy ngữ văn tại Q.Bình Tân (TP.HCM), nhận xét: “Câu nghị luận xã hội đặt ra một vấn đề rất thiết thực, gần gũi với cuộc sống hôm nay, trong đó có tuổi trẻ: trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội. Đây là câu hỏi mở, thí sinh tự do bày tỏ quan điểm của bản thân miễn sao thuyết phục về lý lẽ”.
Ở câu nghị luận văn học, thạc sĩ Hoài nhận định, cách hỏi có chút lắt léo, hàn lâm, thí sinh cần đọc kỹ đề để giải mã nội dung câu hỏi về vai trò của bạn đọc trong tiếp nhận văn học. Thạc sĩ Hoài gọi đây là một đề thi khá hay, khó, xứng tầm, có tính phân loại cao.
Còn thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng đề thi hay, tính phân hóa rất cao, đáp ứng tốt yêu cầu chọn học sinh giỏi quốc gia. Có thể nhận thấy mối liên hệ tuy chưa rõ ràng giữa 2 câu là ở sự trải nghiệm của cá nhân và nhìn lại vấn đề này khi đặt trong tương quan đối với xã hội công nghệ, trong vòng tương tác kết nối cùng tác giả và văn bản.
Theo thạc sĩ Khôi, thực hiện đề thi theo xu hướng gắn với trục chủ đề là một quan điểm đã khởi phát từ năm học 2021 – 2022, hoàn toàn phù hợp với việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa ngữ văn sau năm 2018 cho dù đây là đề thi phục vụ năm cuối cùng triển khai chương trình ngữ văn 2006. “Từ đó chúng ta càng khẳng định tính cập nhật rất tốt của người ra đề đối với diễn trình thực tế của đời sống và thực trạng dạy học ngữ văn”, thạc sĩ Khôi nhấn mạnh.
Theo thạc sĩ Khôi, ở câu nghị luận văn học, cái hay thứ nhất của người ra đề là đã chọn được nhận định đắt giá từ một tác phẩm rất hay nhưng khó đọc/ khó nắm bắt. Cái hay thứ hai của đề thi là với nhận định này, tính phân hóa cao được thể hiện rất rõ nét khi đặt ra yêu cầu tìm ý, phát triển ý và thâu tóm ý của học sinh giỏi. Chọn trọng tâm là việc định danh kiệt tác từ quá trình kiến tạo nghĩa cho văn bản ở cả hai phía tác giả và độc giả, về mối quan hệ giữa ý nghĩa văn bản với những lĩnh vực tham chiếu, với bối cảnh lịch sử xã hội, đề thi không còn là một vấn đề lý luận văn học dễ phát hiện mà đòi hỏi khả năng xử lý, phân tích, lý giải, kết nối, mở rộng vùng ngoại vi của thông tin được nêu trong đề. Quá trình này đã tránh được lối học vẹt khi chỉ nắm qua quýt kiến thức lý luận văn học hoặc học làm sang khi gắn với những hướng tiếp cận hiện đại còn quá sức với học sinh THPT. Đi vào vấn đề bản chất của văn học, khơi dậy cái nhìn rộng vào khách thể và sự thấu suốt vai trò chủ thể, tự đề thi đã là một vùng đất màu mỡ nhưng rất kén chọn bàn tay khai phá để vỡ ra nhiều giá trị ẩn tàng trong đó.
Ở câu nghị luận xã hội, cách đặt vấn đề đã khắc phục được hạn chế của đề thi trong nhiều năm khi yêu cầu nghị luận dần thoát ly khỏi những vấn đề tuy vẫn có ý nghĩa nhưng chưa phù hợp với lứa tuổi hoặc bắt đầu đi dần vào sáo mòn. Quy trình “khẳng định giá trị” của mỗi cá nhân được gắn với định hướng “trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội” đặt ra những sự lựa chọn nhắm thẳng vào nhu cầu thể hiện, khát khao khẳng định bản ngã đầy mạnh mẽ, rất tự tin của giới trẻ.
Theo thạc sĩ Khôi, đây là một đề thi nóng hổi hơi thở của hiện thực, sát sườn với tâm ý nên tạo cơ hội cho học sinh trình hiện cái tôi đặc trưng của lứa tuổi đầu thanh niên, để quan điểm riêng cất tiếng khẳng định những hướng đi, những con đường cá thể mang đậm bản sắc. Tính hai mặt của mạng xã hội cũng là điều học sinh cần xem xét đến khi tiến hành quá trình tái chiêm nghiệm và lựa chọn cách bộc lộ cá tính. Sâu xa hơn, người ra đề có chăng đã tạo ra trùng điệp những lựa chọn như “vội vã – chậm rãi, phô trương ở bề mặt – lắng kết ở chiều sâu, giá trị tức thời – giá trị bền vững, lệ thuộc vào xã hội số – độc lập với công nghệ” để tạo ra đất diễn đầy tính khơi gợi (và cả những thách thức) cho học sinh? Chính những điều này cũng là một cách giúp đề thi khẳng định được giá trị của nó.