Trong văn bản khẩn vừa gửi đi, Sở GTVT TP.HCM đề nghị UBND TP. Thủ Đức, UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn quản lý theo các quy định đã ban hành, để thiết lập trật tự an toàn giao thông, văn minh, mỹ quan đô thị và tạo sự đồng thuận của người dân.
Theo các quy định mà UBND TP.HCM đã ban hành, lòng đường, hè phố có chức năng chính là phục vụ giao thông. Trong đó, lòng đường phục vụ các phương tiện giao thông; hè phố để phục vụ người đi bộ, bố trí hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, lắp đặt các công trình thiết yếu theo quy định.
Ngoài chức năng nêu trên, lòng đường, hè phố chỉ được sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông (như kinh doanh, mua, bán hàng hóa, để xe, trông giữ xe theo quy định tại Quyết định số 32) khi được cơ quan chức năng cấp phép, chấp thuận thông qua phương án sử dụng và nộp phí sử dụng theo quy định.
Do đó lãnh đạo địa phương cần khẩn trương ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ. Đồng thời, tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông để triển khai thực hiện có lộ trình, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời; tổ chức việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.
Khi ‘nhà giàu’ cũng lấn vỉa hè: Người đi bộ chen chân cùng ô tô, xe máy
Ngoài ra, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đề nghị các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng duy trì thường xuyên, liên tục việc tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương trong công tác giám sát đối với các cá nhân, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện quản lý sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố theo kế hoạch, giấy phép và phương án sử dụng đã được chấp thuận.
Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã gửi văn bản hướng dẫn quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn gửi các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Lãnh đạo ngành giao thông TP nhấn mạnh vỉa hè mục đích chính là phục vụ người đi bộ. Những chỗ nào được cấp phép mới được sử dụng, đơn cử như việc tổ chức ma chay, cưới hỏi có sử dụng vỉa hè phải có giấy phép. Chỗ nào cho để xe tự quản thì địa phương phải công bố phạm vi, khu vực từng tuyến đường. Còn sử dụng tạm thời vào mục đích cho thuê để kinh doanh, bãi giữ xe thì phải xây dựng danh mục, lập phương án, tham vấn ý kiến người dân rồi hoàn thiện phương án.
Khi công bố danh mục tuyến đường đủ điều kiện xong, người dân sẽ đăng ký; quận, huyện duyệt phương án thì mới được phép sử dụng. Như vậy, vỉa hè mà không có phương án, không có trong danh mục sử dụng tạm thời thì toàn bộ phải dành cho người đi bộ. Nếu các hộ kinh doanh, tổ chức lấn chiếm vỉa hè, sử dụng khi chưa được cấp phép, chưa đóng tiền thuê, chưa có giấy phép thì địa phương phải xử lý vi phạm theo quy định.