Điều hành xuất nhập khẩu xăng dầu không hiệu quả
Ngày 4.1, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, đã chỉ rõ Bộ Công thương điều phối, phân giao khối lượng xăng dầu nhập khẩu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nhiều bất cập; buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát để các doanh nghiệp này không thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm nhập khẩu tạo nguồn đã được quy định, đã dẫn tới thiếu xăng dầu xảy ra trong năm 2022.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Công thương là cơ quan điều phối khối lượng nhập khẩu xăng dầu và tổng nguồn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, nhưng lại không hướng dẫn, quản lý các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu theo quý, dẫn đến không có kế hoạch, tiến độ chung để quản lý.
Theo đó, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ nhập khẩu theo kế hoạch kinh doanh riêng của từng đơn vị. Khi nhập khẩu xăng dầu về bán bị lỗ hoặc khó khăn, nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã dừng, không nhập khẩu xăng dầu.
Cụ thể, Công ty TNHH Petro Bình Minh, từ năm 2018 đến hết năm 2021 và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh, từ năm 2019 đến hết năm 2021 đều không thực hiện nhập khẩu. Đến cuối năm, các đơn vị chưa nhập khẩu xăng dầu đủ hạn mức tối thiểu báo cáo Bộ Công thương xin điều chỉnh. Mặc dù, các văn bản của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không nêu rõ lý do hoặc lý do không phù hợp, thời gian gửi báo cáo chậm hơn theo quy định nhưng đều được Bộ Công thương chấp thuận.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu quan điểm, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có vai trò như nhau nhưng do cách quản lý, điều hành thiếu khách quan, công bằng của Bộ Công thương đã dẫn đến một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn lại. Do đó, nhiều thương nhân không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tạo nguồn xăng dầu khi cần thiết.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ dẫn chứng, trong quý 2/2022, Bộ Công thương chỉ giao cho 10/32 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu với tổng sản lượng là 2,4 triệu m3 xăng dầu nhưng có 9/10 đơn vị thực hiện và nhập thiếu 589.035 m3 xăng; 6/10 nhập thiếu 628.637 tấn dầu.
“Qua đó cho thấy, trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công thương không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Quản lý lỏng lẻo, chậm xử lý doanh nghiệp vi phạm
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc Bộ Công thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra đã dẫn đến nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc, làm gián đoạn nguồn cung, gây ra thiếu xăng dầu.
Theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm phải dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc là 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 1 ngày của năm trước liền kề.
Nhưng từ năm 2017 đến ngày 30.9.2022, Thanh tra Chính phủ xác định chỉ có 15/34 (tính số kiểm tra là 15/15) thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (chiếm 90% thị phần xăng dầu tiêu thụ trong nước) dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu thiếu về số tháng trong năm, số ngày trong tháng với tổng sản lượng xăng dầu dự trữ thiếu là 1,02 triệu tấn/m3.
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2022, có 9/15 đơn vị dự trữ xăng thiếu từ 5/9 tháng và có 8/15 đơn vị dự trữ dầu thiếu từ 6/9 tháng; có 6/15 đơn vị dự trữ xăng thiếu từ 8 – 13 ngày/20 ngày và có 4/15 đơn vị dự trữ dầu thiếu từ 8 – 14 ngày/20 ngày. Dẫn đến, khi nguồn cung khan hiếm, không đủ xăng dầu dự trữ để bán ra thị trường, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, bình ổn thị trường.
Để xảy ra những vi phạm này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Công thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, chấn chỉnh, thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền được quy định tại khoản 6 điều 8 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, dẫn đến không khắc phục được việc các thương nhân dầu mối kinh doanh dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu thiếu trong nhiều năm, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, an ninh năng lượng.
Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc dự trữ lưu thông bắt buộc đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi để xảy ra thiếu xăng dầu.
Theo Thanh tra Chính phủ, từ ngày 1.1.2017 đến ngày 31.12.2021, đã có 27 thương nhân đầu mối với 48 lượt đơn vị nhập khẩu xăng dầu không đạt hạn mức nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Bộ Công thương đã phân, giao.
Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công thương đã kiểm tra và xử lý 6 đơn vị vi phạm; còn lại 26 đầu mối với 42 lượt vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục thanh tra, kiểm tra ngay để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.