Tiếp quản “ghế nóng” từ Tây Ban Nha, từ 1/1/2024, Bỉ chính thức đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong sáu tháng tới.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo. (Nguồn: belgian-presidency) |
Không khí hào hứng đang tỏa khắp Brussels nhưng phía trước là không ít thử thách, từ làn sóng người tị nạn, khó khăn về kinh tế – xã hội đến duy trì tình đoàn kết nội khối.
Đầu tiên là khối lượng công việc khổng lồ với hơn 100 dự án lập pháp phải hoàn tất từ nay đến tháng 4/2024, trong đó có việc cải cách quy trình tị nạn trong khối và điều chỉnh luật liên quan đến trí tuệ nhân tạo vốn đang gây tranh cãi.
Tiếp đó, Bỉ phải gấp rút xây dựng chương trình ngân sách dài hạn để có thể thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU vào ngày 1/2 tới. Khó nhất là làm sao tạo được sự đồng thuận về khoản viện trợ 50 tỷ Euro cho Ukraine hiện đang bị Hungary ngăn chặn.
Trong khi đó, thời gian lại đang rất gấp gáp vì cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào tháng Tư. Nếu không kịp thông qua các dự luật, mọi chuyện sẽ lại phải đẩy lùi sang mùa Thu, khi các cơ quan lãnh đạo mới của EU hình thành.
Đã thế, tháng 6/2024, Bỉ sẽ tiến hành bầu cử. Chưa ai biết chính phủ của Thủ tướng Alexander De Croo có còn đủ tâm trí quan tâm đến EU khi mà khả năng tái cử còn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, ông De Croo tỏ ra khá tự tin với vai trò Chủ tịch Hội đồng EU của Bỉ. Bởi theo ông, đây là lần thứ 13 Bỉ đảm nhiệm cương vị này nên Brussels có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, Ngoại trưởng Hadja Lahbib nói rằng “thỏa hiệp theo phong cách Bỉ” chính là bí mật của Bỉ. Cụ thể là vì Bỉ là quốc gia đa ngôn ngữ, đa sắc tộc với nhiều ý tưởng nên quen với việc thảo luận và tìm kiếm sự thỏa hiệp hơn là tạo ra vấn đề.
Không biết Bỉ sẽ vượt qua thử thách thế nào nhưng hy vọng phong cách Bỉ sẽ để lại dấu ấn trên “ghế nóng” EU.