Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa yêu cầu, việc phổ biến kịp thời, đầy đủ những quy định pháp luật mới thuộc lĩnh vực TN&MT đến mọi đối tượng trong xã hội sẽ góp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cập nhật các quy định pháp luật mới cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong ngành tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh đó, việc tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ góp phần tạo đồng thuận xã hội đối với chính sách; kịp thời điều chỉnh chính sách đáp ứng đầy đủ, thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Chính vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa yêu cầu, công tác PBGDPL và truyền thông chính sách của Bộ cần được nâng cao, đổi mới toàn diện. Mặt khác, cần phải lồng ghép công tác PBGDPL và truyền thông chính sách vào quá trình xây dựng chính sách một cách phù hợp để hoạt động này ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất.
Đánh giá chung về tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và truyền thông chính sách, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL, Bộ TN&MT cho biết: Công tác PBGDPL đã cơ bản hoàn thành Kế hoạch, góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động tích cực trong thực thi pháp luật về tài nguyên và môi trường. Đồng thời, công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, nội dung PBGDPL và truyền thông chính sách có trọng tâm, trọng điểm; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, thích ứng trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hội đồng Phối hợp Phổ biến, Giáo dục pháp luật Bộ TN&MT được kiện toàn, làm cơ sở để tư vấn kịp thời cho Bộ trưởng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tác PBGDPL của ngành cũng như triển khai các hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ TN&MT; Hoạt động của Cơ quan thường trực của Hội đồng đã từng bước chủ động.
Theo Kế hoạch, năm 2024 sẽ tập trung phổ biến, cập nhật, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 gắn với đối thoại, tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật. Đặc biệt, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trọng tâm như: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; Các quy phạm pháp luật của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tổ chức truyền thông chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống trong việc hướng đến mục tiêu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khí tượng thủy văn.
Về hình thức sẽ tổ chức PBGDPL và truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức hội thảo, hội nghị phổ biến, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên và môi trường; Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm để tham vấn, trao đổi và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân đối với dự thảo chính sách về tài nguyên và môi trường.
Ngoài ra, sẽ tổ chức phổ biến, giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật mới và thông tin xây dựng pháp luật tài nguyên và môi trường trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và của các đơn vị, qua Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Bản tin Tài nguyên nước, Chuyên trang Chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường (địa chỉ https://vupc.monre.gov.vn/), Trang thông tin điện tử kiểm soát ô nhiễm môi trường (địa chỉ: https://pcd.monre.gov.vn)…
Cũng tại cuộc họp, đa số đại diện các đơn vị trong Bộ – thành viên Hội đồng PBGDPL cho rằng, hiện nay, kinh phí cho công tác PBGDPL và truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế; Công chức, viên chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng pháp luật còn kiêm nhiệm nên rất khó khăn trong việc bố trí thời gian thực hiện nhiệm vụ.
Để khắc phục tình trạng này, các đơn vị trong Bộ sẽ chủ động xây dựng Kế hoạch và tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội nghị PBGDPLvà truyền thông chính sách; Bố trí kinh phí cho hoạt động này.