Sự trở lại của ông Donald Tusk trên cương vị Thủ tướng Ba Lan được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định trong mối quan hệ với Ukraine, nhưng những thách thức kinh tế vẫn đang tồn tại và dường như chưa thể thấy hồi kết ít nhất là trong ngắn hạn.
Góc khuất trong ‘mối tình’ Ukraine-Ba Lan: Cuộc phong tỏa biên giới không hồi kết, tân Thủ tướng Tusk cũng bó tay. (Nguồn: Ukrinform) |
Những ngày này, các tài xế Ba Lan tiếp tục phong tỏa biên giới với Ukraine tại ba trạm kiểm soát. Khoảng ba nghìn xe tải vẫn đang xếp hàng dài ở biên giới giữa Ukraine và Ba Lan theo hướng đi của ba trạm kiểm soát đang bị phong tỏa, thông tin từ người phát ngôn của Cơ quan Biên phòng nhà nước, Andriy Demchenko.
Việc phong tỏa các trạm kiểm soát Rava-Ruska-Hrebenne, Krakivets-Korczowa và Yahodyn-Dorogusk vẫn tiếp tục, dường như “không có hồi kết”. Hàng nghìn xe tải của Kiev bị ùn ứ thành hàng dài trong nhiều ngày. Theo lực lượng biên phòng Ba Lan, tính đến sáng 2/1, 1.620 xe tải vẫn đang xếp hàng theo ba hướng này.
Ông Demchenko cho biết, trước đó, ngày 24/12, giao thông tại trạm kiểm soát Shehyni-Medyka đã thông thoáng hơn, nhưng vẫn còn hàng dài – 1.200 xe tải đang xếp hàng chờ.
Quan chức này cho biết, giao thông các khu vực khác của biên giới không bị cản trở. Tuy nhiên, do các hành động trên lãnh thổ Ba Lan, các tài xế và người vận chuyển đang phải tìm kiếm các tuyến đường thay thế, điều này dẫn đến lưu lượng xe tải đi các hướng khác tăng lên và kết quả là phải xếp hàng dài hơn.
Tính đến sáng hôm sau, 420 xe tải đang chờ vượt qua biên giới từ Romania sang Ukraine tại trạm kiểm soát Porubne. 200 xe tải đang chờ để vượt biên giới từ Slovakia sang Ukraine tại trạm kiểm soát Uzhhorod.
Trước đó, các hãng vận tải Ba Lan đã chặn hoạt động di chuyển của xe tải tại một số cửa khẩu biên giới với Ukraine kể từ tháng 11, phản đối việc EU hủy bỏ giấy phép quá cảnh đối với các tài xế xe tải Ukraine.
Theo ước tính, mỗi ngày một chiếc xe tải ngừng hoạt động, các công ty vận tải Ukraine phải trả 300-350 Euro chi phí vận hành. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày hàng trăm phương tiện bị tắc cứng ở các cửa khẩu sẽ gây thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn Euro.
Bên cạnh việc xuất khẩu bị cản trở vì thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với Nga sụp đổ, các cuộc biểu tình nhằm phản đối tình trạng cạnh tranh không công bằng của tài xế xe tải Ba Lan cũng đang gián tiếp chồng chất thiệt hại cho nền kinh tế thời chiến của Ukraine.
Mới đây, chính phủ mới của Ba Lan, do tân Thủ tướng Donald Tusk đứng đầu đã chính thức nhậm chức, đánh dấu sự kết thúc 8 năm cầm quyền của đảng Luật pháp và công lý (PiS) bảo thủ.
Tân thủ tướng nhưng thực chất là “người cũ”- ông Tuski từng giữ chức Thủ tướng Ba Lan hai nhiệm kỳ liên tiếp cho đến năm 2014, đã trở lại với cam kết hàn gắn mối quan hệ của Warsaw với EU và giảm bớt căng thẳng với Kiev, do xung đột về lệnh cấm vận ngũ cốc và phong tỏa biên giới.
Nhưng khi sự trở lại của ông Tusk được đánh giá có vai trò quan trọng – “nguồn năng lượng” giữ ổn định cho Ukraine, thì những tranh chấp kinh tế đang diễn ra giữa Kiev và Warsaw lại được cho là sẽ tiếp tục tồn tại và vẫn khó hàn gắn quan hệ.
Trên thực tế, đứng đầu một liên minh rộng lớn trong chính phủ, tân Thủ tướng buộc phải điều hướng các ý kiến khác nhau – tại đó, không ít người coi Ukraine là đối thủ cạnh tranh kinh tế.
Trong bài phát biểu nhậm chức trước quốc hội, thủ tướng mới tỏ rõ lập trường trong việc hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh đối đầu với Nga.
“Chúng tôi sẽ… lên tiếng và dứt khoát yêu cầu thế giới, thế giới phương Tây huy động toàn lực để hỗ trợ Ukraine”. Ông Tusk nói khi trình bày tầm nhìn của mình về quỹ đạo tương lai cho Ba Lan.
Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng cho biết, “không còn nghi ngờ” gì về lập trường của mình trong việc hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự tổng lực với Nga.
Trên thực tế, phải thừa nhận rằng, sự hỗ trợ của Warsaw ở cấp độ chiến lược quân sự luôn rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine đã phải đối mặt với căng thẳng trong những tháng gần đây do xung đột về nhập khẩu ngũ cốc và gần đây hơn là lệnh phong tỏa biên giới do các hãng vận tải Ba Lan khởi xướng , do lo ngại về sự cạnh tranh từ Ukraine.
Hai tuần trước khi đảm nhận vị trí cao nhất, tân Thủ tướng Tusk đã chỉ trích chiến lược Ukraine của các nhà lãnh đạo Ba Lan tiền nhiệm là chiến lược tai hại, thiếu chuyên nghiệp và hoài nghi. Ngược lại, lãnh đạo PiS Jaroslaw Kaczynski cáo buộc Tusk là “đặc vụ Đức”.
Ngược với chính sách đối ngoại hay hợp tác hỗ trợ quân sự, quan hệ kinh tế Ukraine-Ba Lan phức tạp hơn đáng kể.
Tầm quan trọng của biên giới Ukraine với Ba Lan đã tăng lên sau khi Moscow cắt đứt khả năng tiếp cận dễ dàng các cảng Biển Đen của Kiev. Ban đầu, Ba Lan chào đón hàng triệu người tị nạn Ukraine, đi đầu trong việc cung cấp vũ khí và ủng hộ việc nước này nhanh chóng gia nhập EU. Nhưng khi chi phí của những chính sách đó tăng lên thì căng thẳng chính trị cũng tăng theo.
Mới đây, trong bài phát biểu tại quốc hội, ông Tusk thề sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới kéo dài hơn một tháng qua và “đáp ứng nhu cầu của các tài xế xe tải Ba Lan càng sớm càng tốt và ngay lập tức dỡ bỏ phong tỏa biên giới”.
Tuy nhiên, hiện giới quan sát bình luận, bất chấp khả năng giảm các cuộc đối đầu công khai, Kiev không nên mong đợi các cuộc đàm phán suôn sẻ hơn về các vấn đề kinh tế. Ngay cả quan chức Ukraine cũng thừa nhận rằng, trong các lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, Kiev và Warsaw là đối thủ cạnh tranh của nhau. Cạnh tranh – “góc khuất” về kinh tế này là mối quan tâm cơ bản của bất kỳ chính phủ nào ở Warsaw.