MỹThái độ không rõ ràng với chủ nghĩa bài Do Thái, bị cáo buộc đạo văn và giảm uy tín với nhà tài trợ khiến Claudine Gay bị chỉ trích dữ dội, trước khi từ chức.
Claudine Gay tuyên bố từ chức hiệu trưởng Đại học Harvard hôm 2/1, quay trở lại làm giảng viên và nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại đây. Gay nói đây là quyết định khó khăn, nhưng vì lợi ích tốt nhất với trường.
Hội đồng điều hành đại học Harvard chấp nhận thư từ chức của Gay và bổ nhiệm ông Alan M. Garber, một chuyên gia kinh tế, đồng thời là giám đốc học thuật làm hiệu trưởng tạm thời.
Claudine Gay chỉ mới nhậm chức hồi tháng 7 năm ngoái. Bà là hiệu trưởng tại vị ngắn nhất trong lịch sử gần 390 năm của Đại học Harvard, kể từ khi thành lập vào năm 1636.
Các nhà phân tích đánh giá Gay phải chịu sự chỉ trích nặng nề vì không có câu trả lời xác đáng cho những lời kêu gọi diệt chủng người Do Thái trong khuôn viên trường. Bà cũng bị nghi ngờ đạo văn và là nguyên nhân khiến một số nhà tài trợ định ngừng quyên góp cho Harvard.
Xung đột Israel-Hamas bắt đầu hôm 7/10 đã dẫn đến các cuộc tranh luận và biểu tình chống người Do Thái, hay còn gọi là chủ nghĩa bài Do Thái, trong trường học Mỹ.
Ba mươi nhóm sinh viên Harvard đã gửi một bức thư ngỏ, khẳng định “Israel hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành vi bạo lực đang diễn ra” và kêu gọi “hành động để ngăn chặn sự hủy diệt đang diễn ra đối với người Palestine”. Bức thư gây ra phản ứng dữ dội, trong khi bà Gay cùng hội đồng trường cũng bị chỉ trích vì không công khai lên án vụ tấn công của Hamas.
Ba ngày sau, dưới áp lực của các nhà tài trợ và cựu sinh viên, bà Gay đưa ra một tuyên bố lên án Hamas và khẳng định rằng “không có nhóm sinh viên nào lên tiếng thay mặt Đại học Harvard”.
Giữa căng thẳng leo thang, để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn và hòa nhập, cuối tháng 11, Bộ Giáo dục Mỹ tiến hành nhiều cuộc điều tra về các hành động bài Do Thái ở trường đại học. Bà Claudine Gay cùng hai hiệu trưởng khác bị triệu tập trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 5/12. Tại đây, Gay từ chối trả lời trực tiếp về cách trường giải quyết những căng thẳng. Bà nói phải cân bằng giữa việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và giữ an toàn cho học sinh.
Khi được hỏi liệu việc kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm quy định về bắt nạt, quấy rối tại Harvard và yêu cầu trả lời có hoặc không, bà Claudine trả lời: “Có thể, tùy thuộc vào hoàn cảnh. Khi lời biến thành hành động, chúng tôi sẽ vào cuộc”.
Thái độ không rõ ràng của Claudine khiến nhiều cựu sinh viên, nhà tài trợ cho đại học Harvard phẫn nộ và kêu gọi bà từ chức. 70 nhà lập pháp Mỹ cũng ký một lá thư yêu cầu hội đồng quản trị của ba đại học tham gia phiên điều trần cách chức hiệu trưởng.
Rắc rối liên tiếp đến với Gay khi tờ The Washington Free Beacon đưa ra 39 cáo buộc đạo văn trong các công trình nghiên cứu của bà. Tờ này tập trung phân tích tiểu luận năm 1993 trên tạp chí lịch sử Origins, luận văn tiến sĩ tại Harvard và hai bài báo vào năm 2012 và 2017 của bà Gay.
Trong đó, luận án tiến sĩ năm 1997 với tựa đề “Nắm quyền: Thắng lợi bầu cử của người da đen và sự tái định nghĩa của chính trị Mỹ” bị tố trích dẫn không đầy đủ nhiều phần từ một công trình của hai tác giả Bradley Palmquist và Stephen Voss năm 1996. Luận án này từng được trao thưởng vì chất lượng xuất sắc.
Điều này vi phạm quy tắc trích dẫn của Harvard, rằng: “việc lấy bất kỳ ý tưởng hoặc ngôn ngữ nào từ người khác mà không ghi rõ nguồn đó trong bài viết của bạn bị coi là đạo văn”.
Tuy vậy, hội đồng trường phủ nhận cáo buộc, cho biết đã nhận thấy sai sót trong nghiên cứu của bà từ trước, nhưng chúng không vi phạm nguyên tắc nghiên cứu và không có dấu hiện đạo văn.
Sau các lùm xùm này, bà Claudine Gay được cho là mất uy tín với các nhà tài trợ của Harvard. Trong ba năm gần nhất, đại học này luôn nhận được tài trợ trên 50 tỷ USD, phần lớn từ các cựu sinh viên. Năm 2023, các khoản quyên góp đã chiếm khoảng 45% ngân sách của Harvard. Tuy nhiên, một số cựu sinh viên dự định rút tiền tài trợ.
Bill Ackman, tỷ phú và là giám đốc điều hành quỹ Pershing Square, chỉ trích bà Gay mạnh mẽ và thông báo sẽ rút khoản tài trợ hàng tỷ USD cho trường, theo The Guardian. Gia đình nhà Len Blavatnik, từng đóng góp cho Harvard hơn 200 triệu USD các năm trước, cũng dừng quyên góp.
Các cựu sinh viên còn phật ý vì số đơn đăng ký sớm cho mùa tuyển sinh 2024 vào Harvard chỉ khoảng 7.900, giảm 17% so với năm ngoái và thấp nhất trong vòng bốn năm.
“Nhiều cựu sinh viên rất khó chịu về cách trường xử lý khủng hoảng”, Sam Lessin, nhà đầu tư công nghệ, cựu sinh viên Harvard, nói.
Bà Gay từ chức khiến nhiều người vui mừng, song không ít ý kiến lo ngại về sự chia rẽ trong xã hội. Họ cho rằng những chỉ trích nhằm vào bà Gay xuất phát từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, theo The Guardian. Một số người nói Gay được chọn làm hiệu trưởng không phải vì trình độ, mà là do mục tiêu thúc đẩy sự đa dạng của trường.
Hội đồng Đại học Harvard khi cảm ơn Gay vì những cống hiến với tư cách hiệu trưởng, cũng đồng thời lên án một số lời lẽ thể hiện “sự phân biệt chủng tộc” nhắm vào bà. Giữa những chỉ trích hồi tháng 12 năm ngoái, 700 giảng viên Đại học Harvard vẫn xin giữ bà Gay làm hiệu trưởng.
Bà Gay nói trải qua những công kích cá nhân mang tính phân biệt chủng tộc sau phần trả lời ở phiên điều trần.
“Thật đau xót khi những cam kết của tôi trong việc loại bỏ sự thù địch và duy trì kỷ cương học tập bị nghi ngờ. Tôi phải chịu các cuộc tấn công cá nhân và các mối đe dọa vì chủng tộc”, bà Gay viết trong bức thư, hôm thứ ba.
Claudine Gay, 53 tuổi, là hiệu trưởng da đen đầu tiên trong lịch sử Đại học Harvard. Bà sinh ra trong một gia đình người nhập cư Haiti tại New York, là chuyên gia về chính trị và người gốc Phi ở Mỹ. Năm ngoái, bà nhậm chức khi Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ việc coi chủng tộc như là một tiêu chí tuyển sinh, được coi là một bước đột phá của các đại học.
Doãn Hùng (Theo The Guardian, AP)