Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm 3/1 đã dẫn đầu phái đoàn gồm 64 nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tới biên giới phía Tây Nam của đất nước, tìm cách tăng cường áp lực trong năm bầu cử đối với Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ để đạt được những hạn chế cứng rắn hơn về nhập cư.
Phái đoàn đã đi thăm một trong những thành phố biên giới chính ở Eagle Pass, Texas – nơi những cuộc vượt biên trái phép vào Mỹ đã gia tăng trong những tháng gần đây, và tổ chức một cuộc họp báo vào buổi chiều cùng ngày.
Nhấn mạnh rằng chính sách nhập cư của vị Tổng thống Đảng Dân chủ đang thất bại, ông Johnson nói: “Dưới thời Tổng thống Biden, nước Mỹ đã trải thảm chào đón những người nhập cư bất hợp pháp, những kẻ buôn lậu và các băng đảng. Ông ấy phải chịu trách nhiệm về mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và chủ quyền quốc gia của chúng ta mà những chính sách này đã tạo ra”.
Dữ liệu mới nhất cho thấy kỷ lục 302.000 người di cư vượt qua biên giới Mỹ-Mexico trong tháng 12, tăng gần 60.000 người so với con số 242.416 người trong tháng 11 và tăng thêm 61.000 người vượt biên so với con số 240.998 người trong tháng 10/2023, theo nguồn tin của ABC News.
Tuy nhiên, Nhà Trắng hôm 2/1 thông báo rằng họ sẽ mở lại cửa khẩu Eagle Pass cùng với 3 cửa khẩu khác ở Arizona và California, viện dẫn rằng số lượng người di cư tới đó trong những ngày gần đây đã giảm.
“Thật là một điều mở mang tầm mắt”, ông Johnson nói. “Một điều hoàn toàn rõ ràng: Nước Mỹ đang ở một điểm tới hạn với mức nhập cư bất hợp pháp kỷ lục, và hôm nay chúng ta đã trực tiếp nhìn thấy thiệt hại và sự hỗn loạn mà thảm họa biên giới đang gây ra cho tất cả các cộng đồng của chúng ta”.
Chuyến đi tới Eagle Pass của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Johnson diễn ra khi các Thượng nghị sĩ “xứ cờ hoa” đang trong các cuộc đàm phán tế nhị với hy vọng đạt được thỏa thuận về các chính sách biên giới có thể mở ra sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện đối với đề xuất trị giá 110 tỷ USD của ông Biden dành cho Ukraine, Israel và các ưu tiên an ninh khác của Mỹ.
Nhưng ông Johnson, nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, nói với hãng tin AP trong chuyến công du biên giới rằng ông kiên quyết tuân theo các chính sách có trong dự luật được các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện thông qua vào tháng 5 năm ngoái mà không có một phiếu ủng hộ nào từ Đảng Dân chủ.
Dự luật, được gọi là H.R. 2, sẽ khôi phục nhiều chính sách mà cựu Tổng thống Donald Trump theo đuổi, bao gồm xây dựng thêm bức tường biên giới và áp đặt các hạn chế mới đối với người xin tị nạn. Đảng Dân chủ gọi những điều khoản này là “tàn nhẫn” và “chống người nhập cư”, còn ông Biden tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật.
“Nếu nó giống H.R. 2, chúng tôi sẽ nói về nó”, ông Johnson cho biết khi nói về dự luật mà Thượng viện đang thảo luận. Trong cuộc họp báo ông Johnson cũng ra dấu hiệu rằng ông có thể sử dụng thời hạn của đợt tài trợ tiếp theo cho chính phủ hoạt động làm đòn bẩy hơn nữa.
“Nếu Tổng thống Biden muốn có một dự luật chi tiêu bổ sung tập trung vào an ninh quốc gia, thì tốt hơn hết hãy bắt đầu bằng việc bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ”, ông Johnson nói, đồng thời bổ sung: “Trước tiên, chúng tôi muốn đóng cửa và đảm bảo an ninh biên giới”.
Ông Biden đã bày tỏ sẵn sàng thực hiện các thỏa hiệp về chính sách vì số lượng người di cư vượt biên kỷ lục là một thách thức ngày càng tăng đối với chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông. Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas và các quan chức Nhà Trắng đã tham gia vào các cuộc đàm phán tại Thượng viện.
“Chúng ta phải làm gì đó”, ông Biden nói với các phóng viên vào tối hôm 2/1. Ông cho biết Quốc hội nên thông qua đề xuất an ninh quốc gia của ông vì nó cũng bao gồm khoản tiền để quản lý dòng người di cư. “Họ phải đưa cho tôi số tiền tôi cần để bảo vệ biên giới”, ông Biden nói.
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ, bao gồm Hạ viện và Thượng viện, sẽ triệu tập lại vào tuần tới.
Minh Đức (Theo ABC News, AP)