Ngay sáng đầu tiên của năm mới 2024, dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã được lãnh đạo Chính phủ phát lệnh khởi công. Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.000 tỉ đồng, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cũng là dự án PPP đầu tiên được khởi công cho việc thí điểm vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ lên đến 70% theo nghị quyết của Quốc hội.
Theo nhà đầu tư cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, việc triển khai sẽ là tiền đề minh chứng cho sự tháo gỡ thành công thế khó các dự án PPP nhiều năm nay, để tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm khó khăn trong thời gian tới.
Trước đó, 5 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 theo hình thức PPP đã phải chuyển đổi sang đầu tư công, chỉ còn lại 3 dự án triển khai được theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, năm 2024 sẽ có thêm nhiều “đại dự án” giao thông theo hình thức PPP được xúc tiến triển khai như cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, Ninh Bình – Thái Bình – Nam Định – Hải Phòng…
Theo Bộ GTVT, có 16 dự án đầu tư theo phương thức PPP. Ngoài 4 dự án hoàn thành đưa vào khai thác (gồm Bắc Giang – Lạng Sơn, Quảng Ninh – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái), có 5 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư và 7 dự án đang lập chủ trương đầu tư.
Trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn hẹp, việc khơi thông nguồn lực PPP hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh việc đầu tư các dự án cao tốc, đạt mục tiêu 3.000 km cao tốc tới năm 2025 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những con số về số lượng km cao tốc làm được trong 3 năm qua đáng kinh ngạc và có ý nghĩa đột phá. Với chiến lược đầu tư rất lớn cho hạ tầng giao thông, không chỉ cao tốc, hàng loạt điểm nghẽn trong các lĩnh vực từ đường không, cảng biển đang được tháo gỡ với tầm nhìn tổng thể.
Đặc biệt, không chỉ các khu vực kinh tế lớn được hưởng lợi nhờ tăng cường hạ tầng kết nối, mà những vùng miền núi phía bắc khó khăn hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư mạnh mẽ, đã tạo động lực lớn cho phát triển KT – XH các khu vực này.
“Năm 2024 vẫn một năm khó khăn như 2023 khi kinh tế thế giới vẫn bất ổn, sức khỏe doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Tuy nhiên, thay vì quá chú ý đến tăng trưởng GDP ngắn hạn, cần chuẩn bị các điều kiện cho tăng trưởng dài hạn hơn, mà hiện nay Chính phủ đang làm rất tốt là đầu tư hạ tầng giao thông, chuẩn bị nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế… Nói cách khác, nếu tập trung giải quyết các nút thắt, trong đó có hạ tầng sẽ giúp cho câu chuyện tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế”, TS Thiên nhìn nhận.
Dồn lực cho “nút thắt” hạ tầng
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, 2023 là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Năm 2023 mở đầu với sự kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025 dài 729 km. Đây cũng là lần đầu tiên việc khởi công các dự án được thực hiện đồng thời trên phạm vi cả nước.
Tính chung cả năm, đã có 26 dự án giao thông lớn được khởi công. Trong đó, có 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía đông (giai đoạn 2), các dự án đường bộ cao tốc trục Đông – Tây và các tuyến đường vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.
Chỉ trong năm ngoái, ngành giao thông đã đưa vào khai thác 20 dự án, với 9 dự án đường bộ cao tốc dài hơn 475 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892 km.
Từ hơn 55.000 tỉ đồng vốn đầu tư kế hoạch được giao năm 2022, tới năm 2023 Bộ GTVT được Chính phủ giao 94.000 tỉ đồng. Nếu tính cả 19.900 tỉ đồng vốn sự nghiệp kinh tế, năm 2023 ngành giao thông phải giải ngân số vốn lên tới 114.000 tỉ đồng. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, chung diễn ra khá chậm.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu dự án giải ngân thấp phải cân đối ngay sang dự án cao; dự án chậm giải ngân kéo dài, người đứng đầu chủ đầu tư, Ban QLDA phải chịu trách nhiệm. Tính đến hết tháng 12.2023, Bộ GTVT đã cơ bản giải ngân đạt 90% kế hoạch và dự báo đạt mục tiêu 95% kế hoạch giao khi hết niên độ giải ngân (tháng 1.2024).
Đáng chú ý, đến hết năm 2023, có tới 25 dự án đường bộ cao tốc đã được phân cấp cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền. Việc phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đang được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “những gì địa phương làm được thì giao địa phương làm”.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua phương án Chính phủ trình về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đây được xem như đột phá trong thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn tại các dự án giao thông, cho phép vốn góp ngân sách nhà nước vượt quá 50% theo quy định tại luật PPP.
Năm 2024, theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, nâng tổng số đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km. Đồng thời, các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.
Bộ GTVT cũng phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng như: TP.HCM – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Long Thành – Thủ Thiêm, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Năm 2023, vận tải phục hồi và có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu thị phần, vận tải đường thủy, đường sắt tăng trưởng san sẻ áp lực cho đường bộ.
Sau nhiều năm thua lỗ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong 3 quý năm 2023 có doanh thu thuần gần 2.050 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế từ vận tải vượt kế hoạch. Đường sắt cũng đã lập ga liên vận quốc tế tại ga Kép (Bắc Giang), hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần, Bình Dương đi Trung Quốc.