Lên máy bay đúng giờ nhưng vẫn chờ hàng tiếng đồng hồ mới được cất cánh; hạ cánh rồi vẫn ngồi mòn mỏi chờ xe buýt; người nhập cảnh trước, còn hành lý hơn cả giờ sau vẫn chưa biết đang nơi nào…, sân bay Tân Sơn Nhất chưa tới cao điểm đã ám ảnh delay.
Sân bay vắng nhưng vẫn… kẹt
Háo hức đón gia đình từ Hà Nội vào TP.HCM dịp tết Dương lịch vừa qua, chị Quỳnh Khanh (ngụ Q.3, TP.HCM) thở phào khi người nhà báo bay từ đầu Hà Nội không bị hoãn chuyến (delay) quá lâu – lịch bay 17 giờ 15 thì 17 giờ 35, máy bay cất cánh. Đúng 19 giờ 32 phút, khi người nhà nhắn tin báo vừa hạ cánh, chị Khanh bắt đầu từ nhà chạy xe đến sân bay Tân Sơn Nhất vì tính toán dù đã hạ cánh nhưng mọi người chắc cũng phải mất 30 phút mới ra tới ngoài. 19 giờ 56 có mặt tại sảnh ga đến quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, chị Khanh vẫn chưa thấy mọi người ra. Gọi điện thì được báo vẫn đang ngồi trên máy bay đợi xe buýt. 20 giờ 15 rồi 20 giờ 30…, đã 1 giờ đồng hồ trôi qua kể từ khi máy bay hạ cánh, gia đình chị vẫn chưa xuống được khỏi máy bay. “Phải gần 20 giờ 40, tôi mới đón được gia đình. Sân bay bình thường, không đông nhưng không biết sao phải chờ đợi lâu như vậy. Xuống sân bay rồi vẫn chưa hết “kiếp nạn”. Tính ra, thời gian chờ ra khỏi máy bay gần bằng bay thêm một lượt về Hà Nội. Chưa kể chuyến bay hôm nay đồ ăn gì cũng báo hết, chỉ còn đúng vài phần ăn ít ỏi. Đoàn nhà tôi gần 10 người chỉ mua được 3 phần ăn, còn lại mọi người đói lả”, chị Quỳnh Khanh kể.
Hành khách vất vả chờ đón xe tại sân bay Tân Sơn Nhất
Cùng cảnh ngộ nhưng ở chiều ngược lại, anh Hoàng Hải ban đầu cũng mừng thầm khi đến làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất để trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ vì sân bay rất thông thoáng. Các thủ tục qua cửa an ninh soi chiếu và lên máy bay đều rất nhanh chóng. Anh Hoàng Hải còn thảnh thơi nhắn tin về cho gia đình báo chờ cơm tối vì hôm nay đúng giờ bay là 17 giờ 40 cất cánh thì khoảng 20 giờ 30, anh sẽ có mặt ở nhà. Thế nhưng, chờ gần 20 phút sau, máy bay vẫn không nhúc nhích, anh Hải hỏi tiếp viên thì được báo do sự cố kỹ thuật, máy bay dự kiến delay tới 18 giờ 30 mới cất cánh. Kết quả, 18 giờ 37 phút chuyến bay mới chính thức khởi hành. Dù khi đáp xuống sân bay Nội Bài không bị “kẹt” xe buýt nhưng cũng phải tới gần 22 giờ, anh mới về tới nhà. “Đi máy bay giờ hồi hộp kinh khủng. Trước đây thì ngồi chờ vạ vật ở nhà ga, chỉ mong lên được máy bay càng sớm càng tốt. Giờ thì lên máy bay rồi lại lo ngồi chờ tiếp. Máy bay đến nơi mà nhiều khi cũng phải bay vòng mãi không hạ cánh nổi. Hạ cánh rồi vẫn chưa “thoát”, lại sợ thiếu xe buýt, sợ trễ hành lý… Đặc biệt các chuyến bay đến/đi từ đầu Tân Sơn Nhất rất hay gặp vấn đề. Tính ra Hà Nội – TP.HCM bay chưa tới 2 giờ nhưng đi máy bay phải mất 6 – 7 giờ”, anh Hoàng Hải ngán ngẩm. Đáng chú ý, chuyến bay của anh cũng báo hết đồ ăn để phục vụ hành khách, giống tình trạng trên chuyến bay của gia đình chị Khanh.
Trước đó, đã có rất nhiều hành khách phàn nàn chuyện nhập cảnh vào nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, mọi thủ tục đều nhanh cho đến khi chờ lấy hành lý. Một số chuyến bay, hành khách đã nhập cảnh hơn 1 giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa thấy hành lý đâu.
Thực tế, không chỉ đợt cao điểm tết Dương lịch mà từ đầu năm đến nay, dù lượng khách quốc nội sử dụng dịch vụ hàng không có dấu hiệu giảm mạnh nhưng tình trạng máy bay delay vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn tăng. Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không VN cho biết từ 1.1 đến hết tháng 11.2023, toàn ngành hàng không đã khai thác tổng cộng 260.679 chuyến bay, giảm khoảng 26.000 chuyến so với sản lượng cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, Cục Hàng không ghi nhận 221.229 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỷ lệ 84,9%, giảm so với mức trung bình của cùng kỳ năm 2022 đạt 89,6%. Nghĩa là tuy số lượng chuyến bay giảm hàng chục ngàn chuyến nhưng tỷ lệ các chuyến bay bị delay vẫn ghi nhận tăng. Trong nhóm nguyên nhân dẫn đến chậm chuyến của các hãng hàng không, máy bay về muộn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ.
Ùn tắc lan từ trong ra ngoài
Chờ máy bay, chờ xe buýt, đến khi ra khỏi nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách vẫn chưa thoát “kiếp nạn” vì còn phải đón taxi. Gần 4 năm triển khai phương án “đẩy” taxi truyền thống, taxi công nghệ vào bên trong khu vực nhà để xe TCP, công tác đưa/đón khách không những không được cải thiện mà ngược lại, đang dần trở thành nỗi ám ảnh của hành khách mỗi khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất đang là “điểm nóng“ kẹt xe
Bất kể bay ban ngày hay ban đêm, ngày thường hay ngày nghỉ, hành khách cũng gặp rất nhiều khó khăn khi gọi xe. Xe công nghệ thì nối đuôi nhau xếp hàng dài từ ngoài đường Trường Sơn, nhích từng chút vào bên trong nhà để xe khu vực đón khách tại làn D1, D2 còn tại khu vực đợi taxi truyền thống cũng thường xuyên chật kín người xếp hàng, chen lượt, xô đẩy nhau. Nhiều người phải đợi từ 20 phút đến gần 1 giờ mới đón được taxi.
Đáp chuyến bay từ Phú Quốc vào TP.HCM lúc 14 giờ 30 phút ngày đầu năm mới, anh Trần Đức (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) “toát mồ hôi” chờ gần 30 phút tại sân bay Tân Sơn Nhất mới đón được xe Grab. Vừa xuống xe buýt bắt đầu vào nhà ga, anh Đức đã đặt xe qua ứng dụng và tìm ngay được tài xế. Thế nhưng, 10 phút trôi qua khi anh ra tới làn D1, chiếc xe vẫn chưa nhúc nhích. Liên hệ với tài xế, anh Đức được báo xe đang đi vào trong nhà để xe rồi nhưng phía trước còn 7 xe đang nối đuôi nhau. Gần 20 phút đứng trong tầng hầm nóng nực và ngột ngạt, xe của anh Đức gọi mới từ từ tiến vào rồi để thoát ra được khỏi TCP, lại mất thêm gần 20 phút nữa. “Xe đã đông mà tài xế còn phải nhích qua 2 trạm thu phí, 1 trạm đóng 15.000 đồng cho nhà giữ xe, 1 trạm đóng 10.000 đồng cho sân bay. Từ ngày đưa xe công nghệ vào trong này, lần nào tôi cũng phải chờ ít nhất 20 phút mới đón được xe, lại còn phải đóng thêm phí 25.000 đồng cho mỗi cuốc xe. Vừa phiền phức vừa tốn kém”, anh Trần Đức bức xúc.
Trong khi đó, các tuyến đường cửa ngõ quanh sân bay Tân Sơn Nhất những ngày qua đang bắt đầu “hầm hập” ùn ứ. Từ giữa tháng 12.2023 đến nay, khu vực cửa ngõ sân bay đã xảy ra 2 vụ ùn tắc nghiêm trọng, kẹt xe lan rộng kéo dài nhiều giờ. Nhiều phương tiện lưu thông quá cảnh qua đường Trường Sơn tránh các “điểm nóng” xung quanh như ngã tư Phú Nhuận, đường Trường Chinh, đường Cộng Hòa… khiến lượng phương tiện dồn lên tuyến đường này càng tăng cao.
Đường Trường Sơn vốn đã quá tải, nay thêm đường Cộng Hòa “gánh” công trường dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, lại càng thêm áp lực. Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM đánh giá đường Cộng Hòa đang chịu áp lực quá tải 150% so với khả năng. Sở GTVT TP.HCM cũng ghi nhận khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất trên địa bàn Q.Tân Bình trong năm 2023 có 4 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, trong đó có 3 điểm chuyển biến nhưng còn phức tạp là giao lộ Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Lăng Cha Cả, giao lộ Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện; 1 điểm không chuyển biến là đường Trường Chinh đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý. Ngoài ra, phát sinh thêm một điểm đen tai nạn giao thông trên cầu vượt thép tại nút giao Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám.
Chật vật trong hạ tầng quá tải
Đại diện một hãng hàng không xác nhận trong một số giờ cao điểm, ngày cao điểm thì các chuyến bay đến và đi từ sân bay Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng, các giờ khác trong ngày hoạt động bay diễn ra bình thường, không có hiện tượng tắc nghẽn.
Trong giai đoạn cao điểm tết Nguyên đán sắp tới, đại diện các hãng bay đều cho biết sẽ nỗ lực hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng trễ chuyến bởi không chỉ gây khó chịu cho khách hàng mà hoạt động khai thác của hãng cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, hạ tầng tại Tân Sơn Nhất – sân bay có mật độ khai thác lớn nhất – hiện có nhiều bất cập. Đơn cử, đường cất/hạ cánh chỉ có 1 chiều lên/xuống nên đôi khi chỉ cần việc điều phối xe buýt đưa/đón khách hay xe đẩy hành lý của một chuyến chậm trễ 5 – 10 phút cũng có thể gây delay dây chuyền tới các chuyến bay sau. Vì thế, với tần suất bay dày đặc cao điểm tết, rất khó tránh chậm chuyến bay.
Trong khi đó, một cán bộ thuộc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho biết sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động động vượt công suất thiết kế khoảng 20% trong nhiều năm qua. Hạ tầng nhỏ hẹp, hạn chế, các đơn vị cũng đã cố gắng tối đa mặt bằng để cân đối tổ chức, phân luồng, phân làn sao cho hợp lý nhất, song, cũng không thể nào đáp ứng toàn bộ nhu cầu của hành khách cũng như các hãng hàng không. Mặc dù lượng khách qua cảng một số giai đoạn cao điểm có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đang vượt công suất thiết kế. Việc sân bay đông đúc, phải chờ đợi làm thủ tục hoặc chậm chuyến là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả với khu vực taxi đón/trả khách, nếu không phân bố hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, hỗn loạn ngay trước cửa nhà ga quốc nội. “Sau khi nhà ga T3 hình thành sẽ giảm tải rất lớn cho 2 nhà ga hiện hữu. Khi đó, việc phân bổ, điều phối, sắp xếp mọi hoạt động từ không lưu tới mặt đất cũng sẽ có điều chỉnh, thuận tiện hơn cho hành khách”, vị này thông tin.
Theo lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bắt đầu từ 26.1 – 24.2.2024, dự kiến mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ khoảng 860 – 900 chuyến bay đi và đến, lượng khách trung bình khoảng 135.000 – 140.000 khách/ngày. Để chuẩn bị cho giai đoạn này, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã chủ động họp trước cao điểm và đưa ra các phương án thống nhất với tất cả các đơn vị tham gia hoạt động khai thác tại sân bay; phối hợp, bố trí nhân sự “đúng người đúng việc” kịp thời tại Trung tâm điều phối khai thác; tăng cường nhân sự, xây dựng kế hoạch làm việc chi tiết tại từng vị trí, cũng như trong công tác khẩn nguy; điều tiết các phương tiện, trang thiết bị hợp lý, không để xảy ra tắc nghẽn…
Cục Hàng không VN đã ra quyết định điều chỉnh tham số điều phối đường cất hạ cánh và dịch vụ điều hành bay trong giai đoạn từ ngày 25.1 – 24.2 là 40 slot/giờ các khung giờ từ 6 giờ – 23 giờ 55 phút tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; tăng tham số điều phối slot tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 44 slot/giờ vào khung giờ từ 6 giờ – 23 giờ 55 phút và 40 slot/giờ khung giờ từ 0 giờ – 5 giờ 55 phút.
Về phía các hãng hàng không, Cục Hàng không yêu cầu chủ động phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, liên tục cho các cảng hàng không, Tổng công ty Quản lý bay VN và các đơn vị phục vụ mặt đất để hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thông suốt, không bị gián đoạn và bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ trong quá trình vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Trong trường hợp có các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến cần khẩn trương thông báo cho các cảng hàng không, sân bay và các đơn vị có liên quan để xem xét điều chỉnh kịp thời công tác phục vụ khai thác, tránh lãng phí các nguồn lực.
Hoạt động dịch vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất có xáo trộn ?
Theo một nguồn tin của Thanh Niên, một số đơn vị phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất đang trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, có một số xáo trộn về nhân sự dẫn tới việc cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không bị gián đoạn. Đó là lý do dẫn đến tình trạng thiếu xe buýt, xe chở hàng… trong một số khung giờ cao điểm, khiến hành khách phải chờ đợi. Mới đây, Bamboo Airways cũng đã chấm dứt hợp tác với Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS). Các khâu check-in, bốc xếp hành lý, xe buýt chở khách… của Bamboo Airways từ 1.1.2024 do Hãng hàng không Pacific Airlines thực hiện. Ngoài ra, cũng từ tháng 1, có 2 hãng hãng không lớn của VN sẽ phải cắt giảm đội bay do nhà sản xuất thu hồi động cơ. Nguy cơ tình trạng delay sẽ còn tiếp diễn và tăng cao sau khi tổng đội bay của các hãng tiếp tục sụt giảm trong giai đoạn tới.