Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách hợp pháp hóa việc khai thác lợi nhuận từ các quỹ đó, nhưng Moscow cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ cấu thành hành vi trộm cắp.
Các quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng việc tịch thu tài sản nhà nước và tư nhân là đi ngược lại mọi nguyên tắc của thị trường tự do. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã cảnh báo về “một phản ứng đáp trả hoàn toàn đối xứng”, lưu ý rằng có “đủ tài sản” trong các tài khoản “loại C”, các tài khoản ngân hàng chuyên dùng bằng đồng rúp.
Bộ trưởng Siluanov nói thêm rằng tất cả những tài sản đó đều bị phong tỏa, “số tiền không hề nhỏ” và số tiền thu được từ việc sử dụng chúng là rất đáng kể.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đồng tình với Bộ trưởng Siluanov, nhân vật vốn mạnh mẽ tuyên bố: Nga sẽ thách thức bất kỳ hành động tịch thu nào trước tòa án.
Ông tiếp tục khẳng định, việc các nước phương Tây tịch thu tài sản của Nga sẽ là “bất hợp pháp” và “cực kỳ nguy hiểm” đối với hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ bị quy kết là hành vi trộm cắp. “Nếu thứ gì đó của chúng tôi bị tịch thu, chúng tôi sẽ xem xét những gì sẽ tịch thu và đáp trả ngay lập tức”, người phát ngôn Điện Kremlin cảnh báo.
Theo các ước tính chính thức, dự trữ của ngân hàng trung ương Nga đã giảm 8,4% vào năm 2022 sau khi tài sản bị phong tỏa ở các nước G7, EU và Australia.
Tính tới hiện tại, có khoảng 210 tỷ euro (232 tỷ USD) dự trữ ngoại hối của Nga được cho là đang nằm ở EU, trong đó có 191 tỷ euro nằm tại Bỉ và 19 tỷ euro ở Pháp và 7,8 tỷ euro khác được cho là đang nằm ở Thụy Sĩ, quốc gia không phải là thành viên của EU. EU đặt mục tiêu huy động 15 tỷ euro cho Ukraine từ số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga, tùy thuộc vào sự chấp thuận nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên. Trong khi đó, Mỹ được cho là đã phong tỏa khoảng 5 tỷ USD tài sản của nhà nước Nga.
Hồi tháng 7/2023, cơ quan thanh toán bù trừ lớn của EU là Euroclear có trụ sở tại Bỉ, tiết lộ rằng trong số 2,28 tỷ euro kiếm được trong nửa đầu năm 2023, cơ quan này đã tích lũy được hơn 1,7 tỷ euro lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Theo các con số ước tính, Euroclear đang nắm giữ số tiền trị giá 196,6 tỷ euro của Nga, phần lớn trong số đó thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương nước này.
Đáng chú ý, khoảng 5 triệu nhà đầu tư tư nhân Nga ghi nhận tài sản của họ bị phong tỏa trong tài khoản của các tổ chức tài chính quốc tế. Giá trị chứng khoán bị phong tỏa trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân lên tới 3,4 tỷ USD tính đến tháng 7/2022.
Trong nhiều tháng qua, các quốc gia phương Tây đã cân nhắc về cách tịch thu số tiền này và chuyển cho Kiev, bất chấp nhiều cảnh báo rằng các biện pháp như vậy có thể gây nguy hiểm cho uy tín của hệ thống tài chính và tiền tệ phương Tây.
Các nhà hoạch định chính sách của EU đã thảo luận về việc áp dụng thuế bất ngờ đối với lợi nhuận được tạo ra từ các quỹ cố định, ước tính sẽ tạo ra lợi nhuận khoảng 3 tỷ euro. Trong khi đó, Reuters trích dẫn các nguồn tin, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ thảo luận về một kế hoạch cho phép tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga khi họ gặp nhau vào tháng 2/2024 tới.
Một số quốc gia thành viên EU cũng phản đối ý tưởng sử dụng nguồn vốn bị đóng băng của Nga. Theo một báo cáo gần đây của tờ Financial Times, các nước gồm Pháp, Đức và Italy vẫn “cực kỳ thận trọng” về ý tưởng này. Một số quan chức EU “lo ngại có thể bị trả đũa” nếu khoản dự trữ của Nga bị tịch thu.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từng đưa ra cảnh báo việc sử dụng dự trữ ngoại hối bị đóng băng của Nga, nhấn mạnh việc này có thể gây nguy hiểm cho danh tiếng của đồng euro.