Đối với đề án thăm dò khoáng sản mỏ đá granit khu vực núi Hòn Giồ I, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Quốc Chiến – Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, Cục Địa chất Việt Nam, đơn vị tư vấn cho biết: Đề án được thành lập trên cơ sở tài liệu địa chất, khoáng sản của Báo cáo đánh giá Tài nguyên Khoáng sản khu vực Núi Hòn Giồ 1 và Hòn Giồ 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận (năm 2020), báo cáo kết quả “Thăm dò đá ốp lát Đông Nam Núi Hòn Giồ, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải” (năm 2009) và hiện trạng khai thác đến nay.
Hệ phương pháp thăm dò gồm: công tác trắc địa, đo vẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản, đo khe nứt xác định độ nguyên khối của đá gốc; thi công công trình khoan; lấy và phân tích các loại mẫu nghiên cứu chất lượng đá.
Giải trình tại cuộc họp, ông Phan Thanh Nghị – Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ cho biết, đá granit Hòn Giồ đã được điều tra đánh giá tiềm năng khoáng sản, được Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 2172/QĐ-BTNMT ngày 2/10/2020. Mặt khác, trong khu vực hiện tại đang được cấp phép khai thác ở phía Tây khu vực Hòn Giồ 1 nên Đề án thăm dò này hạn chế tối đa các rủi ro về tài nguyên, trữ lượng. Khu mỏ có cấu trúc địa chất đơn giản, quy mô trung bình, các thông số khác đảm bảo để xếp nhóm mỏ đơn giản (ký hiệu I).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản đã thông qua đề án thăm dò khoáng sản mỏ đá granit khu vực núi Hòn Giồ I, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, với trữ lượng dự tính cấp 121+122 hơn 4,8 triệu m³; đối với tính tài nguyên cấp 333 hơn 2,3 triệu m³ cần được bổ sung công trình thăm dò đến cấp 122 và toàn bộ khu mỏ phải được thăm dò, tính trữ lượng đến cote +35m.
Báo cáo đề án thăm dò quặng titan sa khoáng tại khu vực xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, ông Phạm Đình Chiến – Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ (Cục Địa chất Việt Nam), đơn vị tư vấn cho biết, mục tiêu thăm dò chính là đánh giá chất lượng, trữ lượng quặng titan sa khoáng; chất lượng trữ lượng cát trắng đi kèm và điều kiện khai thác mỏ trong phạm vi diện tích thăm dò. Đồng thời, mục tiêu trữ lượng dự tính cấp 121 + 122 là 70 nghìn tấn ilmenit và zircon, trong đó cấp 121 chiếm 20-25%.
Ngoài ra, các phương pháp kỹ thuật và khối lượng, các dạng công tác của đề án được thiết kế hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với loại hình khoáng sản và đặc điểm địa chất mỏ.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên mong rằng đề án sẽ đạt được mục tiêu trữ lượng đã đặt ra, tạo cơ sở để đưa vào thiết kế khai thác, cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến sâu quặng titan, phát triển nền kinh tế địa phương và các vùng phụ cận. Thứ trưởng và các ủy viên Hội đồng cũng nhất trí thông qua đề án trên.
Báo cáo đề án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng khu vực Lộc Môn, xã Liên Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Công – Công ty Cổ phần tư vấn khảo sát thiết kế và xây dựng Mỏ địa chất, đơn vị tư vấn cho hay, tập thể tác giả đã tiến hành công tác khảo sát thực địa, thu thập tài liệu địa chất, các tài liệu kinh tế – xã hội của khu vực thăm dò và các khu mỏ lân cận hiện nay. Đề án đã tổng hợp và sử dụng các thông tin địa chất khoáng sản có liên quan đến khu mỏ lân cận để lựa chọn tổ hợp phương pháp và mạng lưới bố trí công trình thăm dò, khối lượng các hạng mục công tác thăm dò hợp lý và phù hợp với đối tượng thăm dò.
Kết quả tính toán tổng trữ lượng đá vôi dự kiến cấp 121+122 hơn 186 triệu tấn, trong đó, trữ lượng cấp 121 là hơn 23 triệu tấn, trữ lượng cấp 122 là gần 163 triệu tấn. Thứ trưởng Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng nhất trí thông qua trữ lượng dự tính này, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh) và đơn vị tư vấn thực hiện thăm dò từ diện đến điểm, từ chung đến cụ thể, cũng như rà soát lại khối lượng và chi phí phân tích mẫu rãnh.