Các nhà khoa học gọi cách tắm mới này là “phương pháp bà ngoại”. Sở dĩ có tên “phương pháp bà ngoại” là vì khi cháu đi tắm, bà ngoại trong nhiều gia đình thường dặn cháu “chà sau tai, rốn” và những nơi khó chạm tới.
Giả thuyết cho rằng những vị trí trên thường không được quan tâm đúng mức, do đó vẫn chứa bụi bẩn và vi khuẩn không tốt cho sức khỏe sau khi tắm.
Giờ đây, các nhà khoa học từ Viện Sinh học Đại học George Washington (Mỹ), đã nghiên cứu hệ vi sinh vật trên da ở người khỏe mạnh, tập trung vào các vùng da như giữa cánh tay và những vùng thường bị bỏ quên khi tắm như rốn và sau tai.
Tiến sĩ Keith Crandall, Giám đốc Viện Sinh học Đại học George Washington, tuyên bố rằng bà ngoại của ông luôn dặn ông “chà sau tai, giữa các ngón chân và rốn”, theo Express.
Ông Keith Crandall suy đoán những khu vực này có thể chứa nhiều loại vi khuẩn hơn các khu vực khác trên cơ thể vì chúng thường bị bỏ qua trong quá trình tắm rửa.
Nhóm nghiên cứu do ông Keith Crandall dẫn đầu đã lấy mẫu vi sinh vật trên da từ bắp chân, cẳng tay, sau tai, giữa các ngón chân và rốn của 129 sinh viên tham gia nghiên cứu. Họ đã giải trình tự ADN trong các mẫu vi sinh vật da này, so sánh các vùng da nhờn bị bỏ sót với các mẫu lấy từ vùng khác.
Kết quả đã phát hiện những khu vực được làm sạch thường xuyên hơn có hệ vi sinh vật đa dạng hơn nhiều và chứa nhiều vi khuẩn lành mạnh hơn những khu vực bị bỏ quên, theo Express.
Theo nhóm nghiên, các vùng da khô (cánh tay và bắp chân) đồng đều hơn, phong phú hơn và có chức năng khác biệt so với các vùng da nhờn (sau tai) và ẩm (rốn và giữa các ngón chân).
Họ nói thêm rằng: Trong các vùng da, mức độ phong phú, độ đồng đều và tính đa dạng của vi khuẩn cũng thay đổi đáng kể, cho thấy sự ổn định của vi khuẩn trên da có thể phụ thuộc vào khu vực.
Hệ vi sinh vật trên da được tạo thành từ các vi khuẩn có thể có lợi và có hại cho cơ thể.
Tiến sĩ Crandall cho biết, nếu sự cân bằng thiên về hướng vi khuẩn có hại, nó có thể dẫn đến các bệnh như chàm hoặc mụn trứng cá, theo Express.