Mong nhận đủ lương còn khó…
Đề cập tới vấn đề thưởng Tết năm nay, bà N.T.Phương, đại diện doanh nghiệp bất động sản tại quận Tân Bình, TPHCM thở dài: “Khó khăn lắm, tình hình này chắc không có lương tháng thứ 13 luôn chứ đừng nói đến thưởng”.
Theo bà Phương, cả 2 năm nay, thị trường bất động sản không thuận lợi, công ty không đạt chỉ tiêu kinh doanh, nhân viên bị cắt hết chế độ, cắt giảm người… Giờ công ty vẫn còn việc để làm, nhân viên được nhận lương đã là may mắn, ban lãnh đạo “gồng dữ lắm”…
Anh P.V.Dũng, nhân viên một doanh nghiệp bất động sản khác tại quận Bình Thạnh, TPHCM, cũng cho biết chủ trương chung của lãnh đạo là năm nay không có thưởng Tết. Lương tháng 13 sẽ được công ty chi trả, nhưng thời điểm nào thì chưa công bố. Anh cho rằng như vậy vẫn còn may mắn, vì “nhiều bên mong nhận lương đủ còn khó”.
Đại diện một số doanh nghiệp bất động sản khác tại TPHCM đều chung tâm sự về việc thị trường gặp khó khăn, công ty không có việc làm, dự án không bán ra… gây ảnh hưởng nguồn thu hoạt động, không đạt chỉ tiêu doanh số, dẫn tới không có thưởng Tết.
Thậm chí, nhân viên một công ty bất động sản hàng đầu còn trong trạng thái chấp nhận: “Thấy im ắng lắm, không ai nhắc gì nên mặc nhiên là hẻo rồi. Năm nay lại buồn, bao giờ cho đến ngày xưa”.
Không chỉ không có lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp còn cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Công ty TL (xin được giấu tên) cho nhân viên khối văn phòng nghỉ từ 24/12 đến 17/1 âm lịch, khối kinh doanh nghỉ từ 5/12 đến 21/1 âm lịch, thời gian nghỉ gấp đôi so với mọi năm, do hết việc làm.
Tập đoàn Danh Khôi đã cho toàn bộ khối kinh doanh (Sàn Danh Khôi miền Nam) nghỉ Tết âm lịch từ ngày 29/12 và dự kiến 1/3 dương lịch mới đi làm trở lại, tức nghỉ 2 tháng. Các bộ phận hành chính liên quan vẫn sẽ làm việc đến gần Tết.
Một vài công ty khác cho nhân viên đăng ký nghỉ Tết sớm dựa theo khối lượng công việc từng bộ phận. Khối kinh doanh thường sẽ được nghỉ sớm hơn, thậm chí đã được nghỉ cả tháng nay và dự kiến kéo dài qua Tết âm lịch do không có dự án bán ra.
Khởi động cho một năm mới tốt hơn
Số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, năm 2023, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 4.725 doanh nghiệp thành lập mới và 1.286 doanh nghiệp giải thể. So với năm trước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 45%, ngược lại số lượng doanh nghiệp giải thể tăng gần 8%. Trung bình mỗi tháng, khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc rời bỏ thị trường.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng mạnh so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đã cắt giảm nhân sự từ 50% đến dưới 75% nhân sự.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản 2024 được giới chuyên gia kỳ vọng có sự phục hồi, ít nhất từ quý II dựa trên nhiều yếu tố như lãi suất ngân hàng “dễ thở” hơn, thị trường thứ cấp sẽ có sự điều chỉnh giá để phù hợp với mức chi trả của người mua. Ở góc độ chính sách, các cơ quan Nhà nước đang làm việc rất tích cực để gỡ vướng về pháp lý cho các dự án kéo dài nhiều năm qua, trong đó có thuế sử dụng đất.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã tung kế hoạch kinh doanh đón năm mới. Công ty Nam Long ký hợp tác với hệ thống 20 đại lý phân phối chiến lược, tập trung cho kế hoạch đưa ra thị trường 16.000 sản phẩm đa phân khúc trong 3 năm tới.
Hay liên doanh giữa TTCapital cùng 2 đối tác Nhật là Cosmos Initia và Koterasu Group tuyên bố cùng phát triển dự án đầu tiên tại Bình Dương với quy mô 2.000 căn hộ.
Công ty An Gia trong năm 2023 đã bàn giao gần hết 2.000 căn hộ tại dự án Westgate (Bình Chánh, TPHCM) và chuẩn bị cho kế hoạch năm mới với việc mở bán dự án The Gió, dự kiến mua thêm 2 dự án mới tại TPHCM.
Tập đoàn Pi Group vào ngày cuối năm 2023 cũng đã nhận giấy phép xây dựng dự án Picity Sky Park ở Phạm Văn Đồng (Dĩ An, Bình Dương) và dự kiến triển khai ra thị trường vào năm nay.
Gamuda Land động thổ dự án Eaton Park vào tháng 12 vừa qua, sau khi mua lại từ Công ty bất động sản Tâm Lực. Tập đoàn Danh Khôi cũng tái khởi động dự án Astral City, Thuận An, Bình Dương sau một thời gian tạm ngưng, dự kiến đưa ra thị trường trong năm 2024.