Kể từ tháng 3/2022 đến nay (1/2024), khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga đã bị các nước phương Tây phong tỏa. Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách hợp pháp hóa việc khai thác lợi nhuận từ số tiền này, Moscow phản ứng thế nào?
Phương Tây cho tới nay đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. (Nguồn: Shutterstock) |
Giống như các ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng trung ương Nga chuyển một phần dự trữ vàng và ngoại hối vào các tài sản thanh khoản như các loại tiền tệ chính, vàng và trái phiếu chính phủ. Khoảng một nửa số dự trữ đó được gửi ở phương Tây.
Ngân hàng xác nhận, khoảng 300 tỷ USD tài sản ở nước ngoài đã bị đóng băng.
Nỗ lực của phương Tây vấp “đá tảng”
Trong số tài sản bị đóng băng nói trên, 210 tỷ Euro (232 tỷ USD) dự trữ của Nga được cho là đang nằm ở EU và 7,8 tỷ Euro ở Thụy Sỹ. Mỹ được cho là đã phong tỏa khoảng 5 tỷ USD tài sản nhà nước của Nga.
Vào tháng 7/2027, cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của EU tiết lộ, trong số 2,28 tỷ Euro kiếm được trong nửa đầu năm này, hơn 1,7 tỷ Euro là lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khoảng 5 triệu nhà đầu tư tư nhân Nga bị phong tỏa tài khoản trong các tổ chức tài chính quốc tế. Tính đến tháng 7/2023, giá trị chứng khoán bị phong tỏa trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân lên tới 3,4 tỷ USD.
Các quốc gia phương Tây đã cân nhắc trong nhiều tháng về cách tịch thu số tiền này và viện trợ cho Kiev. Khối 27 thành viên cũng nhiều lần thảo luận về việc áp dụng thuế bất ngờ đối với lợi nhuận được tạo ra từ các quỹ cố định, ước tính sẽ tạo ra lợi nhuận khoảng 3 tỷ Euro.
EU đặt mục tiêu huy động 15 tỷ Euro cho Ukraine từ số tiền thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga. Nhưng một số nước thành viên trong khối lại phản đối ý tưởng này.
Mới đây, Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Pháp, Đức và Italy vẫn “cực kỳ thận trọng” về ý tưởng này và một số quan chức EU “lo ngại có thể bị trả đũa” nếu tài sản của Nga bị tịch thu.
Tháng 2 tới, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến sẽ thảo luận về kế hoạch cho phép tịch thu tài sản bị phong tỏa của Moscow.
Hiện chưa rõ các nhà lãnh đạo G7 dự định sử dụng tài sản này vào mục đích gì, nhưng phương Tây đã cân nhắc việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine sau chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, đã có những lo ngại về tính hợp pháp của việc tịch thu tài sản bị phong tỏa này.
Một số nhà hoạch định chính sách cho rằng, việc sử dụng tài sản của Moscow có thể làm suy yếu hệ thống tài chính quốc tế, làm xói mòn niềm tin vào đồng USD và đồng Euro với tư cách là tiền tệ dự trữ.
GS. Robert Shiller từ Đại học Yale (Mỹ), người từng đoạt giải Nobel Kinh tế nêu quan điểm: “Nếu Mỹ làm điều này (tịch thu và sử dụng tài sản) với Nga ngày hôm nay, Moscow có thể làm điều đó với bất kỳ quốc gia nào vào ngày mai. Điều đó sẽ phá hủy ‘vầng hào quang an ninh’ bao quanh đồng USD và sẽ là giai đoạn đầu tiên của quá trình phi USD hóa”.
Về phía Mỹ, các quan chức nước này và châu Âu giấu tên chia sẻ với nhật báo New York Times rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden “đang âm thầm phát tín hiệu hỗ trợ mới” để tiếp nhận khoản tiền khổng lồ khoảng 300 tỷ USD.
Một số quan chức tại nền kinh tế lớn nhất thế giới bày tỏ lo ngại, động thái quyết liệt như vậy sẽ làm suy yếu uy tín của đất nước với tư cách là một trung tâm tài chính lớn.
New York Times cũng chỉ ra ba thách thức mà G7 có thể đối mặt nếu quyết định tịch thu khối tài sản này.
Thứ nhất, nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu tài sản bị tịch thu có được gửi trực tiếp tới Kiev hay còn có thể được sử dụng cho lợi ích của những quốc gia này theo nhiều cách khác.
Thứ hai, trong trường hợp số tiền này được gửi tới Ukraine, nó sẽ đóng vai trò ngân sách phục hồi đất nước sau xung đột hay lại tiếp tục là một khoản viện trợ quân sự?
Thứ ba, việc tịch thu tài sản quốc gia quy mô lớn như vậy là điều chưa từng có trong lịch sử. G7 sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng cho kịch bản Moscow trả đũa, bao gồm tiến hành các vụ kiện quốc tế và áp dụng chính sách tương tự đối với tài sản các quốc gia “thiếu thiện chí” bị Nga đóng băng.
Nga phản ứng thế nào?
Các quan chức Nga đã nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây tịch thu tài sản của Nga là hành động đi ngược lại mọi nguyên tắc của thị trường tự do.
Một quan chức nước này nói với hãng tin Reuters: “Hãy xem họ (phương Tây) sẽ quyết định như thế nào trong việc bảo vệ tài sản riêng – điều đã làm nên danh tiếng của họ trong nhiều thế kỷ”.
Cuối tháng 12/2023, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Việc tịch thu bất hợp pháp nhiều tài sản của chúng tôi là chủ đề thảo luận thường xuyên ở cả châu Âu và Mỹ. Việc này không thể chấp nhận được và có thể gây hại nghiêm trọng cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Moscow có quyền sử dụng các công cụ pháp lý, cả trong nước và quốc tế để đáp trả bất kỳ ai có ý định dùng tài sản bị đóng băng của Nga để trợ giúp Ukraine”.
Ông Dmitry Peskov nói thêm rằng, nếu ai đó tịch thu thứ gì đó của chúng tôi, chúng tôi sẽ xem xét trả đũa.
Hiện tại, chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Phương Tây vẫn tiếp tục thảo luận về việc số tiền thu giữ từ Nga sẽ được gửi trực tiếp đến Ukraine hay sử dụng theo cách khác để trợ giúp Kiev, bất chấp phản ứng của Moscow.