Nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động của Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc; có Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; có trữ lượng than đá lớn nhất Đông Nam Á, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống cách mạng “Kỷ luật và Đồng tâm”; xã hội, con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng…
Những năm gần đây, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…Đặc biệt, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Góp phần vào sự ổn định và phát triển đó có vai trò quan trọng của công tác tư tưởng, báo chí và truyền thông.
Ở tỉnh Quảng Ninh, trước năm 2019, có 3 cơ quan báo chí của tỉnh gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Hạ Long. Từ đầu năm 2019, tỉnh Quảng Ninh hợp nhất 3 cơ quan báo chí nêu trên và bộ phận biên tập Cổng thông tin điện tử của tỉnh (thuộc Văn phòng UBND tỉnh) để thành lập Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh (QMG). Cùng với QMG, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 cơ quan đại diện (Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Đông Bắc, Thông tấn xã Việt Nam), 21 văn phòng đại diện các cơ quan báo chí. Tổng số có 68 cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú, phóng viên chuyên trách theo dõi địa bàn với tổng số 123 phóng viên, nhà báo.
Quảng Ninh đang phát triển sôi động. Đây chính là địa bàn thuận lợi để các nhà báo tác nghiệp. Tuy nhiên, nếu không có sự định hướng, quản lý tốt thì nguy cơ xảy ra các khủng hoảng truyền thông sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của địa phương, niềm tin của nhân dân với Đảng. Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Hội Nhà báo tỉnh đã tích cực phối hợp, chủ động thực hiện các giải pháp quan trọng.
Trước hết, Hội luôn chú trọng việc tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của Hội Nhà báo Việt Nam đến phóng viên, hội viên nhà báo thông qua các hình thức: Tham gia các hội nghị của tỉnh được truyền trực tuyến đến các điểm cầu; chủ động tổ chức hội nghị quán triệt; thông qua các hội nghị giao ban và thông tin báo chí thường kỳ ở tỉnh; thông qua trang thông tin điện tử của Hội Nhà báo tỉnh và các fanpage, nhóm trên mạng xã hội (zalo, Facebook) của các cấp Hội Nhà báo ở tỉnh đến đông đảo đội ngũ phóng viên, hội viên nhà báo trên địa bàn.
Thứ hai là thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông về công tác định hướng thông tin báo chí đảm bảo thống nhất, bài bản, phong phú về nội dung, hình thức theo đúng quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để các nhà báo tác nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí trong đời sống xã hội; bảo vệ hoạt động báo chí và các phóng viên khi gặp khó khăn trong tác nghiệp và cuộc sống.
Hội Nhà báo tỉnh phối hợp duy trì tổ chức hội nghị giao ban báo chí hằng tháng và định kỳ tổ chức hội nghị thông tin báo chí vào thứ 3 hằng tuần. Khi có sự kiện, nhiệm vụ đột xuất thì tổ chức họp báo để cung cấp thông tin kịp thời. Ngoài các nội dung do các ban, sở, ngành, địa phương chủ động đề xuất, trong mỗi hội nghị đều gửi phiếu xin ý kiến đánh giá chất lượng thông tin và đề nghị nội dung thông tin tại hội nghị tiếp theo. Đặc biệt thông tin ngay những chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những chủ trương, định hướng, các nghị quyết, chỉ thị, các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị; những vấn đề mà dư luận, báo chí và nhân dân quan tâm.
Chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh công khai các thông tin, nhất là trong những vấn đề dễ gây bức xúc cho nhân dân nhằm phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong giới truyền thông giải quyết vấn đề mà nhân dân và dư luận quan tâm, đảm bảo công khai minh bạch, rõ ràng.
Thứ ba là phát động, tổ chức các cuộc thi, giải báo chí để các phóng viên, hội viên nhà báo sáng tạo tác phẩm báo chí tốt thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở tỉnh.
Hội Nhà báo được UBND tỉnh giao giúp cho tỉnh tổ chức Giải Báo chí tỉnh Quảng Ninh hằng năm. Giải có cơ cấu loại hình, thể loại giống như Giải Báo chí quốc gia, với tổng số giải được trao hằng năm là 82 giải (số tiền giải mỗi năm gần 450 triệu đồng). Hằng năm, Hội Nhà báo tỉnh đều tổ chức phát động, thu tác phẩm và xét giải vào dịp đầu năm tiếp sau, vừa để tham mưu cho tỉnh việc công nhận tác phẩm xuất sắc để trao Giải, vừa để tuyển chọn tác phẩm tốt gửi tham dự Giải Báo chí quốc gia.
Hội Nhà báo phối hợp với Ban Tuyên giáo tham mưu cho Tỉnh uỷ phát động và tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng mang tên Giải Búa liềm vàng tỉnh Quảng Ninh (đến nay là năm thứ 3). Cùng với đó là các cuộc thi tác phẩm báo chí về các chủ đề xây dựng Đảng và hệ thống chính trị như: Thi tác phẩm báo chí chủ đề 90 năm ngày thành lập Đảng; thi tác phẩm báo chí chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở các chủ đề công tác năm và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh chủ động phát động hoặc phối hợp tổ chức các cuộc thi tác phẩm báo chí theo quý (được trao trong hội nghị giao ban báo chí của tỉnh) hoặc thi tác phẩm báo chí hằng năm. Tiêu biểu như năm 2021, tổ chức được 3 cuộc thi tác phẩm báo chí về chủ đề phòng chống đại dịch covid-19, về ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch; về gương các cán bộ, y sĩ, bác sĩ. Năm 2022, đã tổ chức cuộc thi ảnh về SEAgames 31 tại Quảng Ninh.
Thứ tư là Hội Nhà báo tỉnh cũng chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên, hội viên nhà báo. Hằng năm, Hội đều tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên, hội viên. Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan, đơn vị như Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh… tổ chức tập huấn về nghiệp vụ làm báo theo các chủ đề cho đội ngũ người làm báo trên địa bàn; tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ; đăng tải các chuyên đề nghiên cứu trên web và fanpage, nhóm của Hội.
Thứ năm là, Hội Nhà báo tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin & Truyền thông đều duy trì thường xuyên việc tổng hợp tin tức hằng ngày. Khi có các thông tin phản ánh các bất cập, tồn tại ở tỉnh thì chủ động tham mưu cho tỉnh chỉ đạo hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các địa phương, đơn vị nắm bắt và xử lý, giải quyết kịp thời, chủ động về thông tin truyền thông, không để xảy ra điểm nóng hoặc khủng hoảng truyền thông.
Thứ sáu là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thi hành Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; duy trì hiệu quả hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Đối với các phóng viên, hội viên nhà báo có biểu hiện vi phạm, Hội Nhà báo tỉnh đã tiến hành các giải pháp phù hợp như: Đề nghị các hội viên nhà báo cao tuổi, nhà báo có ảnh hưởng lớn tuyên truyền, nhắc nhở; phối hợp với cấp uỷ và lãnh đạo cơ quan báo chí chủ động nắm tình hình và uốn nắn. Với các hành vi vi phạm của phóng viên, hội viên nhà báo thì Ban Kiểm tra và Hội đồng chủ động họp và đề ra hình thức xử lý hoặc đề nghị cấp thẩm quyền kỷ luật theo quy định.
Từ đầu nhiệm kỳ khoá VIII (năm 2019) đến nay, Thường trực Hội và Ban Kiểm tra đã tiến hành 5 cuộc làm việc để tập trung xử lý các vi phạm về pháp luật, về đạo đức nghề nghiệp và tham gia mạng xã hội của hội viên. Trong đó đã đề nghị xoá tên 03 hội viên, xử lý bằng các hình thức kỷ luật khác 03 trường hợp. Đã đề nghị Ban đổi thẻ hội viên nhà báo tỉnh loại ra khỏi danh sách 08 trường hợp hội viên không đủ tiêu chuẩn.
Thực tế cho thấy, báo chí Trung ương mạnh về nền tảng lý luận, tích cực thông tin sâu sắc về mảng nội dung nghiên cứu chính trị, phân tích, khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; truyền bá, nêu cao hệ tư tưởng của Đảng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong đời sống; tuyên truyền rộng rãi về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống v.v..
Còn báo chí địa phương với đặc trưng khác biệt về địa lý, dân cư, văn hóa vùng miền lại có những phương pháp, cách làm riêng trong đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng chống phá, thù địch. Báo chí địa phương với thế mạnh bám sát địa bàn, luôn là những người nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời xử lý các điểm nóng, đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản bác các thế lực thù địch.
Phát huy thế mạnh đó, với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, đưa thông tin tích cực làm “dòng chảy chính” trong thông tin báo chí và mạng xã hội, đội ngũ người làm báo ở Quảng Ninh đã bước đầu thực hiện tốt các nhiệm vụ để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Sông Mây – Đỗ Hà