Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết 2024 tiếp tục là năm khó khăn về tài chính, cung ứng điện với tập đoàn này nếu không có thay đổi về chính sách, giá.
Thực tế này được Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ tại hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh 2023, kế hoạch 2024, ngày 2/1.
Theo ông Tuấn, hai năm qua, EVN gặp khó về cân đối tài chính và thách thức lớn nhất năm 2024 vẫn là đảm bảo tài chính, cung ứng điện. Năm nay dự báo sản lượng điện thương phẩm tối đa 269,3 tỷ kWh. EVN lên kế hoạch yêu cầu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội với GDP tăng 6-6,5%.
Tuy vậy, lãnh đạo EVN nhìn nhận cung ứng điện vẫn khó khăn do phụ thuộc diễn biến bất thường thời tiết, mất cân đối cung cầu giữa các miền. Chẳng hạn, miền Bắc không có dự phòng về nguồn nhưng lại là nơi có nhu cầu sử dụng điện tăng 9-10% mỗi năm.
Các tập đoàn Nhà nước chỉ quản lý trên 47% nguồn điện, trong đó EVN là 37,5%, còn lại phụ thuộc vào các nguồn điện bên ngoài. Điều này gây khó khăn trong quản lý vận hành hệ thống điện. Cùng đó, việc đầu tư xây dựng các dự án nguồn, lưới điện vẫn khó khăn về thủ tục, vốn, bố trí quỹ đất và bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Tính toán trước đó của Bộ Công Thương, năm nay trường hợp lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia cơ bản đủ điện. Song, miền Bắc vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm (từ 13-16h, 19h-22h) trong ngày của các ngày nắng nóng.
Trường hợp cực đoan, nước về hồ thủy điện thấp, việc cung ứng điện cho miền Bắc khó khăn hơn. Dự báo miền Bắc có thể thiếu 420 -1.770 MW công suất điện trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.
Liên quan tình hình tài chính, ông Tuấn cho biết sau hai lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân trong năm ngoái, thêm 7,5%, vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao. EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ hai liên tiếp.
Số lỗ không được ông Tuấn nêu tại hội nghị tổng kết hôm nay, nhưng theo báo cáo Bộ Công Thương trước đó, EVN cho biết ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất 17.000 tỷ đồng năm 2023 (trong đó lỗ công ty mẹ gần 24.600 tỷ đồng). Mức này giảm hơn 9.000 tỷ đồng so với 2022.
Số lỗ trên chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Hiện, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối là 2.092,78 đồng một kWh, trong khi giá bán bình quân 1.950,32 đồng. Tức mỗi kWh bán ra, EVN lỗ gần 142,5 đồng.
Giá nhiên liệu (than, dầu, khí) vẫn ở mức cao, sản lượng điện huy động từ thủy điện (nguồn điện có giá thấp nhất) giảm trên 4% do nước về các hồ kém và giá mua trên thị trường cao… là những nguyên nhân khiến chi phí sản xuất điện của EVN tăng.
Lý do nữa được ông Tuấn nêu, là hiện EVN và các Tổng công ty phát điện (các Genco) chỉ chủ động được khoảng 37,5% nguồn điện; còn lại (62,5%) phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Như vậy, tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 80% chi phí giá thành, cao gấp đôi các nước, là bất cập trong tiêu thụ điện.
“EVN còn 20% để điều tiết các khâu còn lại như truyền tải, phân phối, nên rất khó khăn trong tối ưu tài chính, không muốn nói là bất khả thi”, ông Tuấn nói, và thêm rằng chính sách thị trường, giá điện cần được cấp có thẩm quyền xem xét, thay đổi để hỗ trợ tập đoàn này trong cân đối tài chính.
Tổng giám đốc EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét cho tập đoàn này loại trừ một số yếu tố khỏi khoản lỗ, để có nguồn trả lương cho người lao động. Ông Tuấn cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đánh giá lại thị trường điện để điều chỉnh, có thị trường điện minh bạch hơn thời gian tới.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cũng đồng tình, nếu không tăng giá điện khó có thể giải quyết được lỗ lũy kế của EVN.
Ngoài cơ chế giá, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN, cho rằng nội bộ tập đoàn này phải nỗ lực tiết giảm, siết lại các chi phí, từ vận hành hệ thống, mua điện, đàm phán hợp đồng mua bán điện, mua sắm, vay vốn… Tập đoàn cũng triệt để chống tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ. “Những vụ việc xử lý, cán bộ bị khởi tố gần đây là sự đau đớn, xấu hổ của ngành điện”, Chủ tịch EVN nói thêm.
Trước nhiều khó khăn về tài chính, cung ứng điện của EVN, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay Bộ này đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024. Trong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư) để đảm bảo tập đoàn này hoạt động thuận lợi hơn.
“EVN cần chuẩn bị kịch bản, nhất là kế hoạch cung ứng điện mùa khô, để đảm bảo tuyệt đối không thiếu điện như năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng”, Thứ trưởng Tân đề nghị.
Thực tế, với tổng nguồn điện cung ứng từ các tập đoàn nhà nước (EVN, PVN, TKV) gần 48%, nhưng EVN hiện là người mua duy nhất trên thị trường, nên khi xảy ra thiếu điện, tập đoàn này chịu trách nhiệm chính. “Việc xảy ra thiếu điện năm 2023 là bài học đắt giá cho tập đoàn. 23 ngày thiếu điện nhưng đã ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư, kinh doanh”, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN thừa nhận.
Rút kinh nghiệm năm ngoái, EVN yêu cầu các nhà máy không để xảy ra tình trạng thiếu than, khí, dầu cho phát điện và thiếu nước tại các hồ thủy điện. Ngoài cùng PVN, TKV, các nhà đầu tư dự án điện khác trong cung ứng điện, tập đoàn cũng điều chỉnh phân cấp, quản lý nội bộ để tăng kiểm tra giám sát tại các đơn vị thành viên, tránh xảy ra sai phạm đáng tiếc như 2023.