Một số du khách Việt cho biết gặp động đất khi đang ngồi trên xe đến làng cổ Shirakawago và thấy “lắc lư như ngồi võng”.
Nhật Bản ngày 1/1 hứng chịu 155 trận động đất trên toàn quốc, trong đó mạnh nhất là trận 7.6 độ ở tỉnh Ishikawa. Tâm chấn ở bán đảo Noto ảnh hưởng tới 5 tỉnh trong khu vực là Ishikawa, Niigata, Fukui, Toyama và Gifu, theo Reuters. Cơ quan Khí tượng cho biết trận động đất gây thiệt hại lớn với gần 50.000 hộ gia đình mất điện, hàng chục nghìn căn nhà bị hư hại. Ít nhất 20 người thiệt mạng.
Thời điểm xảy ra động đất có khoảng 20 khách Việt đến tham quan làng cổ Shirakawago, tỉnh Gifu. Shirakawago cách Tokyo khoảng 350 km, là một trong những ngôi làng cổ nhất nước và được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1995.
Một hướng dẫn viên người Việt cho biết các du khách Việt có đôi chút “bồn chồn” nhưng “không quá sợ hãi” khi gặp động đất. Mọi người đang ngồi trong xe, cảm giác “lắc lư như ngồi võng”.
Ông Nhan Phương, điều phối viên khu vực phía Nam của Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam, cho biết các đoàn khách Việt đi du lịch dịp Tết Dương lịch vẫn an toàn và không có sự hoảng loạn.
“Nhiều người ngạc nhiên, đôi chút lo lắng khi bất ngờ mặt đất rung lắc mạnh, xe buýt trôi bồng bềnh như trên mặt nước”, ông Phương nói.
Đến nay chưa có thiệt hại nào về người và của đối với các đoàn khách Việt. Tuy nhiên, một số đoàn khách buộc phải thay đổi lịch trình, cung đường do một phần đường cao tốc tạm ngưng lưu thông sau động đất. Trong cuộc họp báo khẩn cấp hôm qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết một số đoạn trên 5 đường cao tốc đã bị đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa thiệt hại, theo Skift.
Ông Phương thông tin thêm sảnh khách sạn của một đoàn khách Việt lưu trú tại tỉnh Niigata bị ngập do có sóng lớn ập vào sau động đất. Hiện là thời gian cao điểm du lịch nên họ không có khách sạn thay thế, cũng không di chuyển được theo lịch trình. Các chương trình du lịch trong khu vực Hokuriku (gồm 4 tỉnh Ishikawa, Fukui, Niigata và Toyama) thời gian này hầu hết đều bị hủy do cao tốc bị thiệt hại, các dịch vụ đóng cửa.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, tháng 12 không phải mùa cao điểm du lịch Nhật Bản của khách Việt. Công ty bà có hơn 500 khách đang du lịch tại các thành phố khác nhau ở Nhật Bản và đều ở cách xa các khu vực có động đất mạnh nên không bị ảnh hưởng. “Các đoàn hiện đã kết thúc chương trình tham quan, chuẩn bị trở về Việt Nam”, bà Hoàng nói.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm phục vụ khách Việt tại thị trường Nhật, bà Hoàng cho biết Nhật Bản thường xuyên có động đất nên chính phủ và người dân luôn có phương án, sự chuẩn bị kịp thời để thích ứng. Các công ty lữ hành Việt Nam đã “quen” với tình hình động đất ở Nhật nên mọi người có thái độ bình tĩnh và không quá lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Asia Gate Travel, đơn vị có 10 năm kinh nghiệm tại thị trường tour Nhật tại Hà Nội, cho biết động đất không thể dự báo được như thời tiết. Khi động đất xảy ra sẽ có tin nhắn báo về điện thoại ở Nhật Bản trước khoảng 10 giây. “Nhật Bản mỗi năm trung bình có hơn 1.000 trận động đất. Những điểm xảy ra rung lắc mạnh lần này đều không có nhiều khách Việt đến nên hầu hết an toàn”, ông Dũng nói.
Với khách du lịch từ Việt Nam sang Nhật, ông Phương khuyến cáo nên “triệt để tuân thủ hướng dẫn của chính quyền”, đặc biệt là hướng dẫn từ Cơ quan Khí tượng và Phòng chống Thiên tai tại Nhật. Bên cạnh đó, khách cũng cần lắng nghe hướng dẫn từ các hướng dẫn viên địa phương, các công ty cung cấp dịch vụ du lịch, hậu cần; nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp an toàn, tránh xa các tòa nhà cao tầng và công trình công cộng, các cây to có khả năng đổ. Du khách không dùng thang máy, sạc pin điện thoại đầy thường xuyên để tiện liên lạc.
Phương Anh