Suốt nhiều năm qua, trong danh sách Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, đàn ông luôn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, càng gần về thời gian này, số lượng phụ nữ giàu có càng nhiều hơn và đa số tập trung ở ngành ngân hàng.
Chào năm 2024, vị trí Người phụ nữ giàu nhất Việt Nam vẫn nằm trong tay bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không giá rẻ Vietjet. Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động của bà Thảo là rất rộng. Bên cạnh hàng không, bà Thảo còn là tên tuổi lớn trong ngành bất động sản và ngân hàng.
Hiện tại, cổ phiếu ngành bất động sản trong hệ sinh thái của bà Thảo chưa niêm yết nên giá trị tài sản của người phụ nữ giàu nhất Việt Nam mới chỉ được tính qua ngành hàng không (cổ phiếu VJC của Vietjet Air) và ngành ngân hàng (cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM – HDBank).
Tại ngày 31/12/2023, giá trị cổ phiếu HDB và VJC thuộc sở hữu của bà Thảo trị giá 23.635 tỷ đồng, chưa đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo tính toán của Forbes, khối tài sản của bà Thảo lên tới 2,4 tỷ USD (khoảng 58.560 tỷ đồng). Nhờ đó, bà Thảo được đánh giá là người giàu thứ hai Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Vị trí Người phụ nữ giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam thuộc về bà Vũ Thị Hiền với khối tài sản lên đến 7.678 tỷ đồng. Bà Hiền đứng ở vị trí này rất nhiều năm nhưng bà vẫn là gương mặt bí ẩn trên thị trường. Tất cả thông tin của bà Hiền được công khai chỉ là: vợ ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát và sở hữu cổ phiếu Hòa Phát.
Là đại diện duy nhất của ngành bất động sản, bà Phạm Thu Hương góp mặt trong Top 3 Người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Nhờ nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, bà Hương có trong tay khối tài sản hơn 7.500 tỷ đồng.
Bà Phạm Thu Hương là vợ ông Phạm Nhật Vượng, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup. Bà Hương được biết đến là một trong những nữ tướng tài giỏi và kín tiếng nhất thị trường.
Trong Top 10 Phụ nữ giàu nhất Việt Nam, chỉ có 3 người trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp. Bên cạnh bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Phạm Thu Hương, còn có bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang.
Gần 80 triệu cổ phiếu VHC mang lại cho bà Trương Thị Lệ Khanh khối tài sản trị giá gần 5.900 tỷ đồng. Nhờ đó, bà Khanh đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách này. Bên cạnh bà Vũ Thị Hiền, bà Lệ Khanh là gương mặt hiếm hoi trong ngành sản xuất vươn lên vị thế cao này.
Trong Top 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam, chỉ có 2 tỷ phú sản xuất, 1 tỷ phú bất động sản và có tới 7 tỷ phú ngân hàng. Ngoài bà Thảo, các tỷ phú còn lại đến từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank.
Vị trí thứ 4, 5, 9 và 10 thuộc về đại gia VPBank với các đại diện lần lượt là bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPBank với 5.848 tỷ đồng, bà Vũ Thị Quyên – mẹ ông Ngô Chí Dũng với 5.833 tỷ đồng, bà Kim Ngọc Cẩm Ly, vợ ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch HĐQT VPBank với 5.130 tỷ đồng và bà Lý Thị Thu Hà, mẹ ông Lô Bằng Giang – Phó Chủ tịch HĐQT VPBank với 5.050 tỷ đồng.
Vị trí số 6 và số 8 thuộc về đại gia Techcombank với hai đại diện là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank với 5.132 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ ông Hồ Hùng Anh với 5.100 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong Top 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam, ngoại trừ bà Nguyễn Thị Phương Thảo và bà Trương Thị Lệ Khanh, tất cả các gương mặt còn lại đều là vợ hoặc mẹ của những đại gia giàu nhất Việt Nam. Rất ít người trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp mà chỉ sở hữu khối tài sản khổng lồ thông qua nắm giữ lượng lớn cổ phiếu.