Năm 2023, Việt Nam tiếp tục chứng kiến nhiều thành tựu trong các mối quan hệ quốc tế nhờ chính sách đối ngoại linh hoạt, trong đó trường phái “ngoại giao cây tre” đóng vai trò quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại trụ sở Trung ương Đảng, ngày 12.12.2023. Ảnh: Hải Nguyễn
Nội hàm cơ bản của ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”
Ngoại giao cây tre đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016. Tuy nhiên, tại Hội nghị Đối ngoại lần thứ nhất vào năm 2021, cũng là năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát nội hàm cơ bản của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đây là sự tổng kết và khái quát hóa rất cao nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, được xây dựng và phát triển trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc đã trường tồn qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Hình tượng “cây tre Việt Nam” đã phản ánh sinh động, nhưng rất giản dị, dễ hiểu về những nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng ta cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, đó là gốc vững là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia – dân tộc, là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo thế, lập thời…
Thân chắc là phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nhân tố căn bản, sống còn; là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật… Cành uyển chuyển là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết thoái”, “biến dừng, biết biến”…
Chỉ đạo của Tổng Bí thư chính là kim chỉ nam cho ngoại giao Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và đã được quán triệt sâu rộng trong toàn ngành quyết tâm xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, vững mạnh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Thành công của Việt Nam
Hãng tin Anh Reuters cho biết, đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023 ngày càng năng động với thành tựu là nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt trên thế giới, cũng như thành tựu ngoại giao trong lĩnh vực kinh tế.
Theo bài viết, trước khi khép lại năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc cùng thống nhất làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương thông qua Tuyên bố chung về xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” Việt Nam – Trung Quốc, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 12-13.12. Nhân chuyến thăm, hai nước đã ký 36 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, thương mại, an ninh, kinh tế số và ra Tuyên bố chung với nhiều cam kết sâu rộng.
Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 11 đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Nhật Bản. Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế.
Vào tháng 9, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam. Hai nước đồng thời công bố hợp tác chặt chẽ hơn về chất bán dẫn và khoáng sản thiết yếu.
Trước đó, hồi tháng 7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có chuyến thăm Tòa thánh Vatican. Hai bên thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam. Theo Reuters, những thành tựu ngoại giao của Việt Nam cũng được ghi dấu trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam là thành viên ASEAN và có các Hiệp định Thương mại tự do với EU, Anh, Chile, Hàn Quốc và mới nhất là ký với Israel. Việt Nam cũng là thành viên của các Hiệp định Thương mại rộng hơn, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Laodong.vn