Duy trì thành tích bằng cách giáo dục tích cực
Nhiều năm qua, THPT Kim Liên – Hà Nội luôn được biết đến là một trong những trường cấp ba top đầu tại thành phố Hà Nội, đầu vào học sinh có điểm rất cao. Ngôi trường là mơ ước của nhiều học sinh, bởi chất lượng học tập tốt cùng những hoạt động ngoại khóa vô cùng thú vị.
Danh tiếng là vậy nên áp lực của nhà trường là việc làm sao duy trì được thành tích cao, trong khi học sinh của nhà trường đặt nhiều mục tiêu giáo dục tham vọng. Những tưởng với đặc thù như vậy thì việc xây dựng Trường học hạnh phúc là thử thách lớn bởi ai cũng nghĩ “Chỉ có áp lực mới biến “than đá” thành “kim cương”.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, Hà Nội lại nghĩ khác. Với cô, việc xây dựng trường học hạnh phúc với mục đích trường duy trì được thành tích trong top đầu của giáo dục thủ đô Hà Nội không có sự mâu thuẫn mà nó có quan hệ tương hỗ chặt chẽ và hiệu quả.
Bởi cô Hiền cho rằng, mọi rào cản tâm lý, mọi áp lực sẽ khiến cho học sinh “sợ” học và không có hứng thú học tập, áp lực thành tích khiến trẻ sợ đến trường. Với quá nhiều nỗi sợ thì kết quả học tập sẽ không tốt. Ngược lại, học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, được phát huy năng lực và phẩm chất của bản thân thì chắc chắn kết quả học tập sẽ cao. Do đó, học sinh chỉ thực sự học tập và rèn luyện tốt từ niềm vui đến trường mỗi ngày.
Để duy trì thành tích cao trong học tập, cô Hiền cùng với thầy cô trong toàn trường ra công xây dựng một môi trường với niềm thương yêu mỗi ngày, sự tôn trọng và sự an toàn; người dạy và người học được sáng tạo, … Mỗi ngày đến trường, thầy cô và học sinh đều mang tâm thế được về ngôi nhà hạnh phúc của mình và thân thuộc với khẩu hiệu: “Kim Liên là nhà. Kim Liên là để yêu”.
Chính điều đó đã tạo nên chất keo vô hình gắn kết nhà trường với phụ huynh học sinh, thầy cô giáo với học sinh, giữa học sinh và học sinh. Những mối quan hệ tích cực của nhà trường dựa trên tình yêu thương, niềm tin, sự tôn trọng, tình bạn, lòng biết ơn, lòng tốt…Do đó, niềm hạnh phúc ấy luôn lan tỏa trong “ngôi nhà Kim Liên”.
Cô Hiền cho biết, nhà trường đã có những nội quy tiếp cận với những đổi thay của cuộc sống, phù hợp với xu thế xã hội, với đời sống của học sinh thời hiện đại và mang tính nhân văn. Như không cấm học sinh mang điện thoại đến trường. Trường cho phép các em được sử dụng điện thoại để giải trí trong khuôn viên trường vào giờ chơi, giờ nghỉ và những tiết học nếu giáo viên yêu cầu.
Nhà trường cũng không cấm học sinh nữ tô son khi đến trường như trước đây mà cho phép học sinh nữ được dùng son môi nhưng không lòe loẹt. Đồng thời, để học sinh là chính mình, được mặc màu áo mình yêu, được thể hiện bản sắc riêng trong ngôi nhà chung. Nhà trường có “Ngày thứ bảy vui vẻ” – một nét đặc biệt của trường THPT Kim Liên. Vào ngày đó, học sinh được mặc trang phục riêng của lớp. Mỗi lớp sẽ chọn những màu sắc trang phục khác nhau theo “gu” của lớp mình khiến các em cảm thấy rất vui vẻ.
Những nội quy theo kịp xu thế này hoàn toàn không khiến học sinh giảm đi tính kỷ luật mà còn giúp các em thấy mình được tôn trọng nên càng gắn bó và hạnh phúc mỗi ngày đến trường.“Theo tôi, một trái tim được tôn trọng là một trái tim hạnh phúc, biết tạo ra những nguồn năng lượng tích cực cho bản thân và bạn bè xung quanh” – cô Hiền chia sẻ.
Thay đổi vì học sinh thân yêu
Để có môi trường thân thiện, học sinh tích cực cô Hiền cho rằng, các giáo viên của nhà trường phải luôn có ý thức xây dựng chân dung một người thầy trong bối cảnh đổi mới đó là chuẩn mực, năng động, sáng tạo, nêu gương và lan tỏa.
Thầy cô giáo không chỉ là người bạn chia sẻ, lắng nghe tâm tư cùng các học sinh mà thầy cô còn tham gia các hoạt động phong trào khiến học sinh vô cùng thích thú như biểu diễn tiết mục nhảy hiện đại trong ngày khai giảng; tham gia các trò chơi cùng học sinh khi đi học tập trải nghiệm; có khi hát, có khi đá cầu cùng học trò trong giờ ra chơi… Những nỗ lực đó đã tạo cho học sinh một môi trường học tập thân thiện, hòa đồng, an toàn và rút ngắn dần khoảng cách giữa thầy với trò.
Các phương pháp tiếp cận dạy và học vui vẻ, hấp dẫn, sáng tạo cũng được các thầy cô giáo trong nhà trường phát huy và ứng dụng hiệu quả trong các tiết học. Các thầy cô mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị dạy học để tạo hứng thú cho học sinh.
Theo cô Nguyễn Thị Hiền, việc xây dựng, kiến tạo trường học hạnh phúc phải được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện mục tiêu, lý tưởng và là một điểm nhấn trong triết lý giáo dục hiện đại mà các nhà trường phải không ngừng nỗ lực thực hiện. Để trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, cần nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ.
Cô Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh: “Khi con người có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để người học không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại, để khẳng định mình và có những cống hiến lớn lao cho xã hội”.
Được biết, tại Trường THPT Kim Liên trong nhiều năm qua, giáo viên không chỉ dạy học mà còn tổ chức nhận, chăm sóc, bồi dưỡng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có khó khăn trong học tập. Những việc làm của thầy cô đã biến ngôi trường này như một gia đình thứ hai che chở cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bằng cố gắng trong nhiều năm qua, tập thể nhà trường nơi đây đã định nghĩa cho chúng ta rõ nét hơn về một trường học hạnh phúc – “Kim Liên là nhà. Kim Liên là để yêu”.
Trinh Phúc