Sáng 1.1, ngày đầu tiên của năm mới 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát lệnh lễ khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức PPP.
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (H.Văn Lãng, Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao QL3 thuộc xã Chí Thảo (H.Quảng Hòa, Cao Bằng).
Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng mức đầu tư dự án 14.331 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn do nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỉ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng.
Liên danh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam – Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) – Công ty CP Xây dựng công trình 568 là nhà đầu tư PPP. Đây là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho đến thời điểm hiện nay.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được tham dự sự kiện trong không khí phấn khởi của ngày đầu tiên của năm mới 2024. Lễ khởi công càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Cao Bằng – vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước.
H.Thạch An cũng là nơi cách đây hơn 73 năm đã diễn ra chiến thắng Đông Khê – chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, mở ra bước ngoặt mới để cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi với chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông, cao tốc. Đến nay, cả nước đã hoàn thành gần 1.900 km cao tốc và đang thi công xây dựng khoảng 1.800 km cao tốc.
Trong đó, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là dự án có tính chất, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh – Urumqi (Trung Quốc) – Khorgos (Kazakhstan), sang Trung Á và các nước châu Âu. Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, khu vực Đông Bắc bộ và đời sống đồng bào các dân tộc.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, dự án thực hiện trong giai đoạn pháp lý, chính sách về dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có thay đổi. Đặc biệt, đây là một trong những dự án thực hiện theo hình thức BOT, đầu tư đối tác công tư sau khi luật PPP có hiệu lực. Do vậy, trong quá trình thực hiện phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Mặt khác, dự án thực hiện trong bối cảnh nguồn vốn huy động ngoài ngân sách rất khó khăn. Các kênh huy động vốn, tín dụng, trái phiếu đều thắt chặt dẫn đến phải có sự điều chỉnh kịp thời đối với sự tham gia nguồn vốn đầu tư công thông qua tăng thu, tiết kiệm chi…
Thủ tướng cũng biểu dương các đơn vị đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong thiết kế tuyến đường, như bố trí tượng đài chiến thắng Đông Khê tại hầm Đông Khê, thiết kế cầu theo hình cây đàn tính – nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tày…
Nhấn mạnh tinh thần “qua sông bắc cầu, qua núi khoét núi, qua đồng đổ đất đổ cát”, xây dựng tuyến đường thẳng nhất, ngắn nhất có thể, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn, Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT nghiên cứu việc mở rộng ngay tuyến đường từ 2 làn lên 4 làn xe.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư, nhà thầu dự án tiếp tục thực hiện, đúc rút kinh nghiệm trong thực hiện mô hình PPP+, mô hình quản trị BIM, đào tạo nhân lực.
Thủ tướng đề nghị các bên xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với tinh thần chiến thắng Đông Khê, phấn đấu cuối năm 2025, đầu năm 2026 thông xe toàn tuyến và tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, kéo dài tuyến đường.
Thanhnien.vn