Đại học đã có bước tiến dài trong hội nhập quốc tế
Trước khi Nghị quyết 29 ra đời, các trường đại học Việt Nam vẫn sống dựa trên sự “hà hơi, tiếp sức” bằng nguồn ngân sách của Nhà nước. Giấc mơ tự chủ đại học, trường đại học vươn tới đẳng cấp quốc tế bị bó buộc níu chân bởi cơ chế cũ. Nhưng tất cả đã thay đổi, giáo dục đại học đã được chấn hưng mạnh mẽ trong 10 năm qua.
Cả đời gắn liền với sự nghiệp giáo dục đại học, thầy Nguyễn Đình Đức (Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam) hiểu một cách sâu sắc về những giá trị mà Nghị quyết 29 mang lại. Thầy Đức cho rằng, Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục của nước nhà.
“Nghị quyết ra đời trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa và thế giới bước sang kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. Với 7 mục tiêu đã nêu ra trong Nghị quyết, có thể thấy đều là những mục tiêu và nội hàm quan trọng, cơ bản, cốt lõi, nền tảng – rất hiện đại và hội nhập, rất đúng, trúng và kịp thời” – Thầy Đình Đức nhận định.
Theo thầy Nguyễn Đình Đức, thành tựu đáng ghi nhận lớn nhất chính là việc giáo dục đại học Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. “Chưa bao giờ giáo dục của Việt Nam đổi mới nhanh và mạnh mẽ, tiếp cận các chuẩn mực của quốc tế như những năm qua. Minh chứng rõ nhất cho nhận định này là những kết quả trong việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xếp hạng đại học” – thầy Đức cho biết.
Thầy Đức minh chứng, nếu năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, nước ta có 2 Đại học Quốc gia có tên trong danh sách xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Thì nay, đại học Việt Nam có nhiều trường đã có tên trong nhiều bảng xếp hạng uy tín của quốc tế về xếp hạng đại học.
Không những vậy, giáo dục đại học đã có những đột phá trong nghiên cứu khoa học. Hiện nay, trong các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có khoảng hơn 1.000 nhóm nghiên cứu, trong đó có hàng trăm nhóm nghiên cứu mạnh, và từ các nhóm nghiên cứu mạnh đã tiến tới thành lập một số phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, có vai trò dẫn dắt trong hoạt động khoa học công nghệ của quốc gia. Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, cho các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng mạnh. Từ vị trí 59 (số bài báo là 4.017) năm 2014 đã vươn lên thứ 46 thế giới (số lượng bài báo là 18.466) năm 2022. Tổng số lượng bài báo quốc tế của Việt Nam là 97.520 bài trong giai đoạn 2014 – 2022. Mấy năm gần đây, một số nhà khoa học Việt Nam cũng đã có tên trong bảng xếp hạng các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng của thế giới được quốc tế đánh giá và bình chọn khách quan.
Thực hiện Nghị quyết 29, bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đại học tích cực triển khai các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Tính từ đầu năm 2016 đến 8 tháng đầu năm 2023, tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học khoảng gần 300 ngành cho thấy giáo dục đại học của Việt Nam đang đi nhanh và đúng hướng, bắt nhịp được với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0.
Điểm nhấn lớn nhất theo thầy Nguyễn Đình Đức có lẽ tự chủ đại học được triển khai nhanh chóng, sâu rộng và trên nhiều mặt, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Luật 34 năm 2018 về Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Thi hành Luật số 34, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. “Những chính sách về tự chủ đại học như luồng gió mới làm thay đổi hẳn diện mạo và cách thức quản trị đại học trong những năm gần đây” – thầy Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh. Cũng theo chuyên gia này, thành quả của quá trình đổi mới đó chúng ta đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kế cận và nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ cao, trẻ tuổi tài năng, đủ sức gánh vác sứ mệnh lớn lao và vẻ vang của đất nước trong giai đoạn mới.
Để giáo dục đại học cất cánh
Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều chuyên gia cũng cho rằng còn đó nhiều vấn đề đại học trong nước cần khắc phục. Trong đó, cần chấn chỉnh từ khâu tuyển sinh đầu vào; chương trình đào tạo; tổ chức giảng dạy và quản lý đào tạo, quản trị đại học (bao gồm các điều kiện đảm bảo chất lượng; đội ngũ, cơ sở vật chất, kiểm tra đánh giá); và chuẩn đầu ra.
“Một số nơi, chuẩn đầu ra của sinh viên như ngoại ngữ, tư duy và năng lực phản biện, kỹ năng nghề nghiệp còn thấp. Nhiều chương trình đào tạo còn thiếu gắn kết với nghiên cứu và thực hành, thực tiễn. Chất lượng giảng viên trong một số trường, một số lĩnh vực còn yếu và thiếu” – thầy Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Vấn đề đầu tư cho giáo dục đại học được nhiều người cho rằng chưa thỏa đáng. Theo ông Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, con số thống kê năm 2020 đầu tư cho giáo dục đại học chiếm 0,27% GDP và khoảng 4% ngân sách dành cho giáo dục. Đây là con số khiêm tốn. Việc đầu tư cho giáo dục đại học hiện nay chỉ bằng 1/2 đến 1/6 so với một số nước trên thế giới nếu tính theo tỷ lệ trong GDP. Ví dụ như: Thái Lan 0,64%; Trung Quốc 0,87%; Hàn Quốc 1,0%, Phần Lan 1,89%…
Có thể thấy, Nghị quyết 29 đã vạch đường, chỉ lối, cởi trói khai mở, định hướng cho giáo dục đại học phát triển. Trong 10 năm qua khi thực hiện nghị quyết, giáo dục đại học đã được chấn hưng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn những điều chưa làm được như Nghị quyết 29 đã chỉ ra, trong đó có những vấn đề không thuộc trách nhiệm của các trường đại học, của ngành giáo dục.
Đội ngũ giảng viên đã có bước phát triển mới Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, bước tiến quan trọng nhất của giáo dục đại học trong 10 năm qua là sự phát triển của đội ngũ giảng viên cả về số lượng, trình độ và năng lực – yếu tố quan trọng nhất quyết định tới chất lượng đào tạo. Trong giai đoạn 2013 – 2022, số giảng viên đại học đã tăng tương ứng với quy mô đào tạo, giữ ổn định tỷ lệ trên dưới 25 sinh viên trên một giảng viên. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ dưới 15% lên trên 32%, trong đó tỷ lệ có trình độ đại học giảm từ 32% xuống còn 7%. Số công bố khoa học trên một giảng viên, tính theo các bài có trong danh mục Scopus tăng gấp 5 lần (từ 0,04 lên 0,2 bài). Năng lực đội ngũ giảng viên về phát triển chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra và đánh giá, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao. |
Trinh Phúc