“Hành trang của người làm báo trước thềm năm mới Giáp Thìn chính là giữ vững bầu nhiệt huyết với nghề, bền bỉ với một tinh thần lao động, cống hiến và sẵn sàng chào đón 2024 với vị thế nâng tầm, tâm thế không ngừng đổi mới. Chúng tôi tin rằng, năm 2024, với Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục là năm của đổi mới, bứt phá, khởi nhịp cho rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho Đại hội XII Hội Nhà báo Việt Nam” – Nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo & Công luận trước thềm năm mới 2024.
Liên kết lại để tạo thành cộng đồng sức mạnh
+ Hội thảo quốc tế “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN” trở thành điểm nhấn ấn tượng những ngày cuối năm bận rộn. Tôi vẫn nhớ, tầm này năm ngoái ông có chia sẻ về nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong năm 2023 là tổ chức một hội thảo quốc tế về chuyển đổi số… Sự thành công của Hội thảo, phải chăng đã hiện thực hóa một phần phương hướng, chiến lược quan trọng, thưa Phó Chủ tịch thường trực?
– Có thể nói là như vậy. Một trong những mục tiêu chúng tôi đưa ra ở năm 2023 là sẽ phải đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hoạt động đối ngoại của Hội Nhà báo Việt Nam. Sau một năm nhìn lại, với rất nhiều những nỗ lực nâng cao vị thế trên trường quốc tế và khu vực thì hoạt động này đã có những khởi sắc nhất định. Hội thảo quốc tế cho thấy các nước ASEAN đều có chung nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số báo chí, coi đây là vấn đề sống còn cho sự phát triển của các cơ quan báo chí, các tổ chức truyền thông và người làm báo.
Cuộc hội thảo đã làm rõ thách thức chung về nguồn lực khi chuyển đổi số đòi hỏi đổi mới về tư duy, về công nghệ và về tài chính và không phải cơ quan báo chí nào trong ASEAN cũng đáp ứng được điều kiện đó. Trong khi đó, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cho các cơ quan báo chí vẫn còn chưa đồng đều ở các nước…
Chúng tôi hy vọng rằng, Hội thảo sẽ là một hồi chuông “đánh động” các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan quản lý báo chí trong các nước ASEAN về thực tế đáng lo ngại này. Sự quyết tâm, chung sức đồng lòng hướng đến mục tiêu chuyển đổi số nền báo chí truyền thông của các nước trong khu vực cho thấy triển vọng phát triển của khối báo chí ASEAN, góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác Liên đoàn báo chí ASEAN.
+ Rõ ràng, đây còn là một mốc son thể hiện tinh thần tương tác, đoàn kết, hướng tới sự phát triển nền báo chí quốc gia và khu vực chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thưa ông, trong vai trò kết nối, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình như thế nào trong nỗ lực phát triển chung?
– Chúng ta hoàn toàn có triển vọng để làm tốt hơn nữa vai trò là đơn vị kết nối có trách nhiệm. Tôi cho rằng, trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, vấn đề liên kết lại để tạo thành cộng đồng sức mạnh là rất quan trọng. Đánh giá đúng bối cảnh, nhìn thẳng vào các vấn đề nóng để tìm giải pháp chính là cách nâng tầm vị thế của các tổ chức, hội báo chí trong khu vực mà chúng tôi tiếp tục hướng đến. Tất nhiên cũng cần những cách thức triển khai đa dạng, phong phú hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở hình thức hội thảo, tọa đàm…
Các vấn nóng của báo chí toàn cầu chắc chắn sẽ tiếp tục là những câu chuyện được thảo luận nhiều giữa các nhà báo trong khu vực như: cuộc chiến với tin giả, vai trò của nguồn tin chính thống, đổi mới để chiếm lĩnh ưu thế trên không gian mạng; phản bác thông tin sai sự thật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, phân phối thông tin…
Chúng tôi đã có một cuộc “rượt đuổi thời gian” đầy ngoạn mục
+ Nói về vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, không thể phủ nhận rằng, chúng ta vừa trải qua một năm đầy bứt phá với việc cán đích rất nhiều mục tiêu đề ra, thưa ông?
– Điểm lại những công việc năm qua, đôi lúc tôi tự hỏi rằng, với những nguồn lực hiện có, những khó khăn nhiều như thế thì điều gì đã giúp chúng ta hoàn thành một cách tốt đẹp nhiều công việc đến vậy? Chỉ nói riêng về những hoạt động của Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, 2023 thực sự là một năm “bứt phá”. Xác định bài toán con người là quan trọng nên chúng tôi đã sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, ổn định công tác cán bộ trong Cơ quan Trung ương Hội và kiện toàn Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam…
Từ đó, các hoạt động thường niên như: Hội báo Toàn quốc, Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Hội, Về nguồn, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia, Giải Bóng bàn cúp Hội Nhà báo Việt Nam, hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, các tọa đàm, diễn đàn, hội thảo, triển lãm, trưng bày… được triển khai tăm tắp và khoa học. Cùng với những hoạt động này là sự vào cuộc từ các phòng, ban đơn vị trực thuộc, các cấp Hội Nhà báo địa phương trong cả nước đã làm nên một năm cực kì sôi động…
Đặc biệt, cuộc gặp và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13/6/2023 là một sự động viên lớn và góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động của các cơ quan báo chí cũng như công tác Hội của chúng ta. Có thể nói, tất cả các nội dung của chương trình công tác năm đều hoàn thành trọn vẹn, thậm chí có những công việc triển khai trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng đều đã thành công tốt đẹp. Đúng hơn là chúng tôi đã có một cuộc “rượt đuổi thời gian” đầy ngoạn mục với lượng công việc dồn dập, đủ thấy…sức người thật vô hạn!
+ Trong rất nhiều những nhiệm vụ năm qua, “hướng về cơ sở” đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ về sự quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động công tác Hội ở địa phương. Thưa ông, chúng ta đã có những cách thức triển khai như thế nào để tạo nên một làn gió triển vọng cho hoạt động của các cấp Hội địa phương năm qua?
– Một trong những vấn đề mà chúng tôi luôn đau đáu đó chính là chất lượng hoạt động Hội tại một số địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Mô hình tổ chức bộ máy của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố hiện nay chưa thống nhất do nhiều nguyên nhân, một phần còn phụ thuộc vào mức độ quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với hoạt động công tác Hội. Hội Nhà báo Việt Nam triển khai chủ trương “hướng về cơ sở”, thành lập Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo và đại diện sở, ban ngành của tỉnh Nghệ An, Tiền Giang và Hòa Bình về hoạt động của Hội Nhà báo các địa phương.
Tại các buổi làm việc này, chúng tôi cùng lãnh đạo địa phương đánh giá về kết quả triển khai Chỉ thị 43 ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” và thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Chúng tôi cũng thẳng thắn đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, UBND các tỉnh và các ban, sở, ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ một số khó khăn cho các Hội Nhà báo tỉnh nhằm giúp Hội triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
+ Trong công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương, có nhận định cho rằng, năm nay, có thể thấy sự vào cuộc chủ động, linh hoạt từ phía các cấp Hội nhà báo. Quan điểm của ông như thế nào về điều này?
– Tôi cho rằng đó là một nhận định xác đáng. Những hoạt động thường niên của Hội nếu không có sự vào cuộc chủ động, sáng tạo từ các cấp Hội Nhà báo địa phương thì chắc chắn sẽ khó thành công như mong đợi. Hay các hội nghị chuyên đề chúng tôi tổ chức tại Nghệ An, Tiền Giang và Hòa Bình như Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và đánh giá công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024; Hội nghị sơ kết 1 năm phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam; tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại các địa phương; Hội nghị “Báo chí về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số”; Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam… đều cho thấy dấu ấn đậm nét của các đơn vị trong công tác phối hợp, tạo nên các hoạt động nghề nghiệp sôi nổi, hiệu quả.
Hướng đến Đại hội các cấp Hội Nhà báo Việt Nam
+ Như chia sẻ có thể thấy rằng, Phó Chủ tịch Thường trực khá hài lòng với kết quả hoạt động của năm 2023. Sức ép cho năm mới – năm cần kíp một sức bật như 2024, đối với chúng ta sẽ là gì, thưa ông?
– Đúng là có người băn khoăn rằng, chúng ta đã làm tốt thì việc làm tốt hơn quả thực là một thách thức. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, nếu chúng ta luôn giữ một tâm thế không ngừng đổi mới, sáng tạo và đặt bài toán hiệu quả trong hoạt động lên trên hết thì chắc chắn sẽ không có lực cản nào cho nhiệm vụ “làm tốt hơn”.
Từ năm 2022, chúng ta thấy được một “Làn gió mới” đã và đang thổi trong hoạt động công tác Hội thì đến năm 2023 dường như đã có một tốc lực mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn và sẵn sàng đón đợi những vận hội mới với vị thế tốt hơn. Có được kết quả đó và muốn tiếp tục phát huy hơn đòi hỏi Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành, luôn bám sát Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động Hội và Điều lệ Hội. Các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao vai trò người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của tổ chức Hội…
Đặc biệt, năm 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020-2025… Đây cũng là năm bản lề quan trọng, hướng đến Đại hội các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, chuẩn bị cho Đại hội XII Hội Nhà báo Việt Nam.
+ Một năm bứt phá và sẵn sàng với rất nhiều nhiệm vụ đặt ra, chúng ta đã, đang và sẽ chuẩn bị những hành trang gì để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2024, thưa ông?
– Chúng tôi có rất nhiều những dự định, kế hoạch cho năm mới với tinh thần tiếp tục chủ động, quyết liệt và hiệu quả hơn. Trong đó, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 12/7/2023 của Văn phòng Chính phủ: Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13/6/2023…
Đặc biệt, phối hợp xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Một trong những điểm nhấn của hoạt động Hội thời gian tới là chú trọng đến chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ và rèn giũa đạo đức hội viên, quan tâm đến xu hướng phát triển của báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số để tiếp tục có những tư vấn, gợi mở tốt hơn nữa cho hoạt động báo chí và hoạt động Hội trước nhiều thách thức mới.
Ngoài ra, các nhiệm vụ thường niên tiếp tục được thực hiện một cách khoa học, sáng tạo, hướng đến sự thiết thực, hữu ích, gắn với quyền lợi, lợi ích của hội viên. Đồng thời, sự khởi sắc trong hoạt động đối ngoại cho thấy những nỗ lực của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc nâng tầm vị thế của Hội trong khu vực. Cho nên, phát huy tinh thần ấy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín của Hội trên trường quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng ASEAN. Năm 2024, Hội sẽ tiếp tục tham gia chủ động và có hiệu quả chương trình hành động của Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ), mở rộng quan hệ song phương với các tổ chức báo chí thành viên của Liên đoàn; tiếp tục củng cố, tăng cường có chiều sâu quan hệ với các đối tác chiến lược như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Cuba…
Đồng thời, chiến lược mở rộng hợp tác với các nước ngoài khu vực cũng sẽ được đặt ra trong kế hoạch thời gian tới. Những giai đoạn trước đây, Hội Nhà báo Việt Nam từng có sự hợp tác, liên kết với nhiều nước ngoài khu vực thông qua các dự án, các chương trình tập huấn…Kết nối lại để tiếp tục hỗ trợ cho các hội viên, nhà báo trong việc nâng cao nghiệp vụ, bắt kịp xu hướng thế giới hơn nữa là nhiệm vụ cần thiết…
Có thể nói, với những kế hoạch bài bản, khoa học và sự đoàn kết đồng lòng trong nhiệm vụ thì chắc chắn năm 2024 đón đợi chúng ta sẽ là một năm gặt hái nhiều “quả ngọt” hơn nữa. Hành trang của người làm báo trước thềm năm mới Giáp Thìn chính là giữ vững bầu nhiệt huyết với nghề, bền bỉ với một tinh thần lao động, cống hiến và sẵn sàng chào đón 2024 với vị thế nâng tầm, tâm thế không ngừng đổi mới. Chúng tôi tin rằng, năm 2024, với Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục là năm của đổi mới, bứt phá, khởi nhịp cho rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho Đại hội XII Hội Nhà báo Việt Nam.
+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực!
Hà Vân (Thực hiện)