Tất cả trẻ nhập học mầm non, tiểu học được kiểm tra tiền sử tiêm các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bù nếu thiếu để đảm bảo miễn dịch.
Việt Nam đang triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học trong chiến lược tiêm chủng trọn đời. Đây là lần đầu tiên Việt Nam rà soát tiêm chủng, tiêm bù liều cho trẻ ở trường học trên toàn quốc. Hoạt động này được triển khai từng bước và mở rộng qua các năm, theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR).
Năm 2023, rà soát 12 tỉnh của 4 khu vực, gồm Hải Phòng, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Trị, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cần Thơ. Năm 2024, mở rộng đến 30% tỉnh, thành và triển khai trên cả nước từ 2025.
Trẻ phải chủng ngừa đủ tất cả bệnh trong TCMR, gồm viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản. Tên của vaccine có thể khác nhau tùy theo chủng loại và nhà sản xuất.
Để rà soát, nhà trường cung cấp sổ tiêm chủng hoặc giấy xác nhận tiêm chủng, hay phiếu tiêm chủng cá nhân của trẻ cho trạm y tế. Cán bộ tại trạm y tế cập nhật thông tin trên hệ thống và lập danh sách các học sinh chưa tiêm đủ mũi, chưa tiêm các vaccine trong TCMR. Từ đó trạm y tế lập danh sách trẻ đăng ký tiêm chủng theo từng lớp học. Giáo viên thông báo cho phụ huynh về tình trạng tiêm chủng của trẻ và đăng ký hình thức tiêm chủng.
Khi trẻ được phụ huynh đồng thuận tiêm bù mũi vaccine còn thiếu, trạm y tế phối hợp với nhà trường tổ chức tiêm.
Thủ tục này tương đương một số nước đã triển khai. Như Thái Lan, khi trẻ vào lớp 1, phụ huynh cung cấp “Sổ tay Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em” cho trường. Nếu không có sổ, cha mẹ phải lấy lịch sử tiêm chủng của trẻ tại nơi đã tiêm, hoặc nhân viên y tế địa phương yêu cầu phụ huynh nhớ lại. Cán bộ y tế sao hồ sơ tiêm chủng của trẻ. Nhà trường phối hợp nhân viên y tế địa phương kiểm tra hồ sơ tiêm chủng, tư vấn phụ huynh cho con tiêm các mũi còn thiếu. Sau khi bé được tiêm chủng, sổ hồng gốc và hệ thống được cập nhật.
Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đánh giá tiêm chủng trường học là cơ hội tiếp cận trẻ chưa hoàn thành các mũi tiêm trong TCMR (bao gồm các nhóm khó tiếp cận, trẻ em di biến động). Hoạt động này giúp tăng tỷ lệ bao phủ miễn dịch đối với các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh trong trường học.
Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến nghị nên rà soát tiêm chủng trường học. Đến nay, nhiều quốc gia đã triển khai thành công như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…
Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng hàng năm đạt từ 90% đến 95% trở lên với từng loại vaccine. Cứ mỗi 100 trẻ sẽ có 5-10 trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi các vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Số trẻ thiếu hụt miễn dịch sẽ tích lũy qua các năm thành một nhóm đủ lớn dẫn đến nguy cơ lan truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì vậy rà soát và tiêm bù cho trẻ ở trường học giúp giảm số lượng trẻ bị bỏ sót, ngăn chặn dịch bùng phát trong trường học và đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Lê Nga