Ẩn số bầu cử tổng thống Mỹ
Đến nay, dù đang gặp nhiều rắc rối pháp lý có thể cản trở con đường tái tranh cử, nhưng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang là ứng viên nổi bật nhất đại diện của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong năm 2024. Trong khi đó, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã công bố chiến dịch tái tranh cử.
Chính vì thế, nếu không có diễn biến bất ngờ nào xảy ra, thì kịch bản “tái đấu chung kết” Biden – Trump đang được xem là kịch bản có khả năng lớn nhất cho đến lúc này. Với kịch bản này, phần thắng của cả hai bên đang được đánh giá là ngang nhau bởi chưa ứng viên nào thực sự thể hiện ưu thế vượt trội.
Trong khi đó, vì dự báo cuộc bầu cử tổng thống Mỹ còn nhiều gay cấn, nên đương kim chủ nhân Nhà Trắng Joe Biden chắc chắn không “xuống thang” trước những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi trả lời Thanh Niên, nhiều chuyên gia nghiên cứu quốc tế đều nhấn mạnh cạnh tranh và lo ngại về một Trung Quốc trỗi dậy chính là điểm chung, ưu tiên của cả hai đảng. Nên phía Cộng hòa lẫn Dân chủ đều không muốn bị “mất điểm” trước dư luận về vấn đề Trung Quốc. Chính vì thế, chẳng những căng thẳng Mỹ – Trung khó có thể hạ nhiệt đáng kể trong năm 2024 mà thậm chí còn có thể bùng phát ở mức cao hơn.
Nga – Ukraine giữa những điểm nóng xung đột
Cũng ảnh hưởng từ chính trị Mỹ, TS Bremmer đánh giá nếu ông Donald Trump thắng cử thì viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine có thể giảm. Thời gian qua, các chính trị gia Cộng hòa không còn muốn tốn kém quá nhiều cho Kyiv trong cuộc xung đột với Moscow. Không riêng Washington, châu Âu cũng có thể hạn chế nhiều hơn trong việc hỗ trợ Kyiv trong thời gian tới. Tương tự, nhà phân tích Tony Barber của tờ Financial Times cũng lo ngại tình cảnh của Ukraine sẽ khó khăn hơn nếu ông Donald Trump thắng cử vào tháng 11.2024.
Việc thiếu nguồn viện trợ trong bối cảnh gặp khó trên chiến trường sẽ khiến cho tình hình Ukraine càng thêm nguy khốn. Phân tích thêm, TS Bremmer còn đánh giá: Ukraine có nguy cơ thua, nhưng Nga không “thắng”. Cụ thể hơn, ông giải thích: “Dù Nga có đạt được lợi ích lâu dài nào trên thực địa Ukraine thì NATO rõ ràng vẫn đang mở rộng. Rồi EU đang xúc tiến quy trình để kết nạp Ukraine, Georgia và Moldova vốn là những thành viên mà EU chưa tính đến trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine”. TS Bremmer dẫn chứng thêm: “Nga đã phải đối mặt với 11 vòng trừng phạt từ châu Âu và có lẽ sẽ còn thêm trong thời gian tới. Nhiều tài sản của Nga bị đóng băng”. Không những vậy, hình ảnh ngoại giao của Nga sẽ bị tổn hại lâu dài đồng thời kinh tế nước này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Liên quan bất ổn trên thế giới, xung đột giữa Israel và Hamas được cho là sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, dù lực lượng Hezbollah ở Li Băng hay lực lượng Houthi ở Yemen có tăng cường “chia lửa” với Hamas thì tình hình chiến sự ở khu vực được dự báo sẽ không lan rộng thêm. Nguyên nhân là vì cả Mỹ lẫn Iran đều không muốn bất ổn rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
Kinh tế Trung Quốc sẽ thế nào ?
Với vai trò là một trong các động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu, kinh tế Trung Quốc cũng là vấn đề quan trọng trong năm 2024.
TS Bremmer phân tích: “Động cơ tăng trưởng Trung Quốc không còn hoạt động như trước nữa. 40 năm phát triển kinh tế đã qua”. Theo ông, kinh tế Trung Quốc đang có nhiều chỉ dấu tiêu cực khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đứng ở mức cao kỷ lục, hoạt động sản xuất đang co lại, lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn, xuất khẩu giảm do lạm phát và lãi suất cao ở Mỹ lẫn châu Âu, đầu tư nước ngoài trì trệ.
Mặc dù vậy, ông Bremmer cũng cho rằng: “Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, với lợi thế về sản xuất, năng lượng tái tạo và xe điện cũng như sự đổi mới hàng đầu trong các ngành công nghiệp tiên phong như điện toán tiên tiến, AI và công nghệ sinh học. Nước này có lực lượng lao động có trình độ, cơ sở hạ tầng ngày càng đẳng cấp thế giới và hệ sinh thái đổi mới là nguồn sức mạnh chính”.
Nhận định trên tờ Financial Times, nhà phân tích James Kynge dự báo: “Chất lượng tăng trưởng của Trung Quốc đã xấu đi rõ rệt trong những năm gần đây. Thị trường bất động sản, vốn đóng góp gần 1/3 GDP, đang đóng băng. Nhiều chính quyền địa phương đang chìm trong nợ nần. Người tiêu dùng Trung Quốc đang do dự. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2024 vẫn có thể vượt quá 4%. Đó là nhờ vào các gói hỗ trợ xử lý nợ, các sáng kiến kích thích tài chính và các hình thức hỗ trợ chính thức khác từ chính phủ Trung Quốc. Và tiến bộ trong công nghệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển”.
Kinh tế Mỹ không dễ “hạ cánh mềm” ?
Bà Gillian Tett, thành viên hội đồng biên tập của tờ Financial Times và chuyên về kinh tế, nhận định: “Năm nay, lạm phát của Mỹ đã giảm xuống đến mức khiến ngay cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng phải ngạc nhiên và tốc độ tăng trưởng vẫn mạnh hơn dự báo của hầu hết các nhà kinh tế”.
Giải thích lý do, bà cho rằng đó là vì “chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức cao và tăng trưởng tiền lương được kiềm chế tốt nên việc kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực có thể tiếp tục trong vài tháng đầu năm 2024”.
Mặc dù vậy, bà cảnh báo: “Nhưng đừng kỳ vọng điều đó sẽ kéo dài suốt năm 2024 để kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”. Bởi các khoản hỗ trợ thời Covid cho các hộ gia đình đã được sử dụng hết thì nguồn tài chính chi tiêu sẽ giảm sút. Thêm vào đó, việc lãi suất cao trong thời gian dài bắt đầu bộc lộ những hậu quả như phá sản, nỗi lo nợ nần ngày càng gia tăng ở Mỹ. Không những vậy, căng thẳng địa chính trị đang làm rạn nứt thương mại toàn cầu. Những vấn đề vừa nêu có thể lại làm tăng lạm phát và khiến tăng trưởng chậm lại”.
Giá dầu sẽ không nóng trong năm 2024 ?
Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu khi dự báo về diễn biến giá dầu trong năm 2024. Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng trong năm tới. Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu tại Mỹ đang tăng và gần đây đạt mức kỷ lục 13,24 triệu thùng/ngày. Hơn nữa, Brazil, Guyana, Na Uy và Canada cũng có thể tăng nguồn cung.
Chính vì thế, ngay cả khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng một số đối tác (gọi chung là nhóm OPEC+) tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác thì giá dầu vẫn được dự báo sẽ không tăng cao. Các công ty tài chính, tổ chức nghiên cứu còn dự báo khá lạc quan về giá dầu trong năm 2024 nếu không xảy ra bất ổn lớn. Ví dụ, Goldman Sachs đã giảm dự báo khi dự báo giá dầu Brent trung bình là 80 USD/thùng, IEA dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 82,57 USD/thùng, còn Tập đoàn Barclays dự báo giá dầu Brent khoảng 93 USD/thùng, và Tập đoàn S&P dự báo mức 85 USD/thùng.
Giá dầu Brent của ngày 31.12.2023 vào khoảng 77 USD/thùng.