Tham gia ngày càng mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn, Việt Nam kỳ vọng trở thành đối tác tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn khu vực và thế giới.
Quan hệ ngoại giao mạnh mẽ sẽ là chìa khóa mở ra cơ hội cho doanh nghiệp về bán dẫn tại Việt Nam, giúp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn khu vực và toàn cầu. (Nguồn: iStock) |
Công nghiệp bán dẫn hiện là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu. Chia sẻ quan điểm tại Hội nghị về Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 mới đây, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel Đào Xuân Vũ nhấn mạnh tính thời điểm của Việt Nam khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Công nghiệp bán dẫn là ngành đa quốc gia, không có bất kỳ quốc gia, công ty nào có thể tự chủ hay làm chủ hoàn toàn 100% chuỗi giá trị của ngành. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu bị đứt gãy trong giai đoạn đại dịch Covid-19, cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung hay việc Mỹ và một số quốc gia đang nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng bán dẫn thì đây chính là cơ hội không thể tốt hơn cho Việt Nam.
Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ
Theo thống kê, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đạt 600 tỷ USD năm 2022, dự báo chạm và vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030 với mức tăng trưởng hàng năm trung bình đạt hai con số.
Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là một trong những ngành công nghiệp xương sống, cốt lõi để phát triển kinh tế bởi nó là công nghiệp nền tảng để phát triển các ngành khác như điện – điện tử, tự động hóa, viễn thông và công nghệ thông tin… Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn để nâng cao khả năng tự chủ của nền công nghiệp quốc gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức tư vấn, của Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ và căn cứ từ kết quả nghiên cứu, phân tích của Bộ Ngoại giao khi làm việc với các chuyên gia nước ngoài thì Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để tham gia và phát triển công nghiệp bán dẫn do hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi; Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Các bộ ngành liên quan đều đang thực hiện xây dựng chiến lược và các chính sách, kế hoạch hành động đề phát triển công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, thường xuyên đề cập hợp tác phát triển bán dẫn trong các buổi làm việc cấp cao với các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển như Mỹ, Nhật Bản…
Ngoài ra, Việt Nam đang sở hữu lực lượng lao động trẻ tiềm năng với chi phí lao động hợp lý, có nền tảng tốt trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Hiện tại, Việt Nam có hơn 8.000 người hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, bao gồm 5.000 kỹ sư cho công đoạn thiết kế, 3.000 kỹ sư và công nhân cho công đoạn đóng gói và kiểm tra chip.
Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư trình độ cao trong lĩnh vực bán dẫn đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.
Trên thực tế, với hệ sinh thái bán dẫn đang dần hình thành, một số công ty bán dẫn lớn trên thế giới như Intel, Samsung, Amkor… đã đầu tư tại Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 40 công ty bán dẫn nước ngoài thành lập chi nhánh, công ty con tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp trong nước có nguồn lực lớn như Viettel, FPT đã bắt đầu tham gia thiết kế chip.
Về nhân lực, nhiều trường đại học ở Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội có khả năng đào tạo nguồn nhân lực phát triển ngành bán dẫn.
Một tiềm năng cũng được đánh giá rất cao – trữ lượng đất hiếm của Việt Nam, đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đất hiếm là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp cao.
Mặc dù vậy, theo kinh nghiệm thực tế, ông Đào Xuân Vũ cho biết, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng để tham gia thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại.
Trở ngại đầu tiên có thể kể đến, công nghệ bán dẫn là công nghiệp bị hạn chế tiếp cận, từ phần mềm hỗ trợ thiết kế cho đến máy móc, vật liệu, cũng như quy trình sản xuất.
Đây còn là lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và rất đặc thù. Trong thiết kế còn đòi hỏi phải có trí thức ngành liên quan. Trong sản xuất thì đòi hỏi kỹ sư vận hành phải có nhiều năm kinh nghiệm. Thực tế, hiện Việt Nam tuy có 5.000 kỹ sư thiết kế nhưng chủ yếu chỉ được thực hiện công đoạn kiểm tra và thử nghiệm thiết kế trong các chi nhánh, văn phòng công ty nước ngoài.
Trong khi đó, nguồn vốn cho thiết kế và đầu tư, vận hành nhà máy sản xuất cũng là một thách thức rất lớn. Chẳng hạn, chi phí ước tính cho việc đầu tư nhà máy sản xuất chíp bán dẫn cỡ 28nm cần khoảng 10 tỷ USD, cần khấu hao trong thời gian ngắn, điều này đòi hỏi phải có thị trường và doanh số đầu ra đủ lớn để bù đắp cho chi phí đầu tư và vận hành rất cao. Trong khi, thị trường đầu ra lại phụ thuộc chính vào một số nhà thiết kế chip và sản xuất thiết bị điện tử lớn.
Ngoài ra, việc phát triển lĩnh vực công nghệ cao này còn cần có hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ với nhà máy sản xuất. Một nhà máy sản xuất chip bán dẫn cần hơn 200 chủng loại thiết bị, gần 1.000 chủng loại vật tư, nguyên liệu phụ trợ mà hiện tại hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa có nhà cung cấp nội địa cho các nhà máy sản xuất chíp bán dẫn.
Một thách thức rất lớn nữa là cơ sở hạ tầng cho nhà máy sản xuất chất bán dẫn còn chưa đảm bảo, cần sử dụng rất nhiều điện và nước cho sản xuất.
Chìa khóa mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao đã chủ động có nghiên cứu về thị trường bán dẫn các nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ và các tập đoàn bán dẫn Mỹ, Nhật Bản, Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, “các thông tin tiếp cận được đã giúp chúng tôi có thể xác định chiến lược tham gia ngành công nghiệp bán dẫn một cách phù hợp”.
Cụ thể, chẳng hạn, Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận nhiều nguồn thông tin quý báu từ phía Bạn; cũng như từ các báo cáo nghiên cứu độc lập của Bộ Ngoại giao về tình hình phát triển ngành bán dẫn tại các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản hay cuộc Tọa đàm với 10 doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/12 cũng giúp mở rộng cơ hội hợp tác bán dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam…
Từ đó, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel rất kỳ vọng vào vai trò kết nối của Bộ Ngoại giao, trong hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn khu vực và toàn cầu.
“Để vượt qua hàng loạt thách thức nêu trên, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của mỗi doanh nghiệp thì rất cần sự dẫn dắt, hỗ trợ của chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là ngành Ngoại giao ở giai đoạn ban đầu để kết nối, cũng như cụ thể hóa các cơ hội hợp tác, kết nối và huy động các nguồn lực quốc tế, cũng như thiết lập các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn từ cấp chính phủ nhằm tạo điều kiện, hành lang cho các hợp tác cấp doanh nghiệp”. Ông Đào Xuân Vũ “đặt hàng” rất cụ thể:
Thứ nhất, xúc tiến với các công ty để xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam, từ đó phát triển dần hệ sinh thái bán dẫn trong nước làm tiền đề để các công ty bán dẫn trong nước có cơ hội về thị trường để từ đó xác định lộ trình đầu tư, phát triển phù hợp.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng các chương trình làm việc với các chính phủ và doanh nghiệp lớn về bán dẫn để tìm hiểu về các cơ chế chính sách đặc thù cần có để phục vụ xây dựng cơ chế chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Thứ ba, thị trường đầu ra cho ngành bán dẫn phụ thuộc rất nhiều vào các công ty sản xuất điện tử và công ty thiết kế chíp bán dẫn lớn nên đề nghị Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan khác xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Cuối cùng, đẩy mạnh kết nối, hợp tác nghiên cứu sản xuất với các doanh nghiệp và các chuyên gia bán dẫn tại nước ngoài.
“Chúng tôi nhận thấy trong lĩnh vực bán dẫn, quan hệ ngoại giao mạnh mẽ sẽ là chìa khóa mở ra cơ hội cho doanh nghiệp về bán dẫn tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn khu vực và toàn cầu”, ông Đào Xuân Vũ khẳng định.