Chúng tôi đến Cồn Cỏ trong một chuyến công tác học tập trải nghiệm. Chuyến đi là mơ ước lớn trong đời tôi. Từ nơi tập kết ở bến Cửa Tùng, phóng tầm mắt ra phía biển sẽ thấy xa xa thấp thoáng một hòn đảo xanh lam nổi lên, đó là Cồn Cỏ. Chỉ vẻn vẹn 2,5km2 nhưng Cồn Cỏ án ngữ phần bờ biển Trung Bộ, gần với các tuyến đường hàng hải trong và ngoài nước nên có vai trò lớn trong công tác phòng thủ, bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng lãnh hải, lãnh thổ. Ngoài ra, Cồn Cỏ còn là địa bàn quan trọng để phát triển kinh tế biển đảo và du lịch…
Kể từ chuyến tàu đầu tiên đưa thanh niên ra đảo lập nghiệp, đến nay, Cồn Cỏ đã đổi thay và phát triển rất nhanh. Giữa tĩnh mịch bốn bề sóng nước, ánh sáng điện làm cho Cồn Cỏ thêm lung linh rạng rỡ. In trên nền trời là Trạm viễn thông Cồn Cỏ với cột phát sóng vi ba. Những con đường láng xi măng phẳng phiu chạy ngang dọc dưới bóng cây xanh mát, ôm lấy trường học, trụ sở các cơ quan dân chính đảng; Hệ thống phát thanh truyền hình huyện đảo, Nhà văn hóa thanh niên… Ban mai, lẫn trong rì rào sóng vỗ, tiếng cô trò Trường mầm non – tiểu học Hoa Phong Ba dạy nhau hát, múa, đọc bài.
Theo chân hướng dẫn viên và những người dân hiếu khách, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Cồn Cỏ. Con đường dẫn lối vào rừng khá bằng phẳng, hai bên đường, đâu đâu cũng có biển báo bảo vệ rừng. Rừng ở đây bao phủ trên 70% diện tích đảo nên ra ngõ gặp màu xanh, nhìn đâu cũng bạt ngàn màu xanh. Những cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây lâu năm, nhiều loài cây quý hiếm đang được quân và dân trên đảo bảo vệ nghiêm ngặt. Màu xanh ở đây không chỉ ở các cánh rừng tự nhiên mà còn được nhân lên trong các đơn vị quân đội, các cơ quan, khu dân cư. Đó là bàng vuông, phong ba, dừa, chuối, đu đủ, bí đao, bí đỏ, bầu, rau xanh… do bàn tay chiến sĩ và người dân trên đảo chăm trồng. Đó là màu xanh hòa nhịp chung đồng điệu giữa thiên nhiên và con người khiến cho Cồn Cỏ vừa hoang sơ vừa sinh động, ở nơi đảo xa mà cảm thấy ấm áp vô cùng.
Cùng với thảm rừng xanh tốt, đa dạng sinh học biển ở đây khá cao và mức độ bảo tồn còn khá tốt. Các hệ sinh thái (HST) vùng triều nơi đây ước có 307 loài: Thực vật phù du 160, rong biển 40, động vật phù du 54, động vật đáy 53 loài. Các HST dưới triều có tổng số 1.068 loài, gồm: thực vật phù du 219, rong biển 71, động vật phù 134, động vật đáy 173, san hô cứng 150, san hô mềm 31, cá biển 200; cá san hô 90 loài.
Vùng biển quanh đảo là một ngư trường thuận lợi, rộng lớn khoảng 9.000km2 với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Có tới hơn 1.000 loài sinh vật biển sống trong 4 – 5 hệ sinh thái biển ven đảo, trong đó có nhiều loài quý hiếm như rùa biển, vú nàng, tôm hùm, trai ngọc, cua đá,… Trong 267 loài cá biển, có 49 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng các loại động vật đáy cỡ lớn ven đảo gồm trai, ốc, tôm, cua, hải sâm,… khoảng 2.670 tấn. Sản lượng khai thác mực đạt 356,8 tấn/năm và tôm hùm đạt 4,8 tấn/năm.
Tháng 4/2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt, công nhận tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ. Sau 6 năm chính thức “mở hàng”, đảo Cồn Cỏ đã có những bước tiến về thu hút khách du lịch.
Vào mùa cao điểm du lịch hè, Cồn Cỏ đón lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; đặc biệt vào dịp cuối tuần, các điểm du lịch, nhà nghỉ homestay luôn trong tình trạng kín chỗ. Theo thống kê, trong năm 2022, đảo Cồn Cỏ đón hơn 8.000 lượt khách. Tổng doanh thu các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đảo ước đạt gần 10 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện đảo có 4 nhà nghỉ với tổng cộng 48 phòng và 5 dịch vụ homestay của các hộ gia đình, ngoài ra có 2 tàu phục vụ đi lại tuyến du lịch Cửa Việt – Cồn Cỏ. Có 5 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí đảm bảo phục vụ cho 500 khách cùng lúc với những món ăn đặc trưng của đảo như hàu, ốc, rong nho, mực, cá các loại… Các loại hình dịch vụ hỗ trợ du lịch như cho thuê tàu đi quanh đảo câu cá, lặn ngắm san hô, cho thuê võng, lều bạt, các dịch vụ thể thao tại đảo… cũng được triển khai. Định kỳ, nhất là mùa cao điểm, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng của huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, một trong các nội dung là kiểm tra công tác đảm bảo môi trường, bởi mục tiêu của du lịch nhằm phát triển kinh tế – xã hội không làm ảnh hưởng đến môi trường, du lịch phải thực sự xanh để giữ đảo luôn xanh.
Nhịp sống nơi đây diễn ra đều như được sắp xếp theo thời gian biểu. Xa xa, những con tàu lớn vươn khơi; bình minh, thuyền cá về tấp nập khiến cho phiên chợ sáng được khuấy động; hết phiên chợ sáng, không gian được trả về với sự yên tĩnh. Trò chuyện với một người đàn ông bản địa vừa kết thúc chuyến ra khơi, anh thân tình chia sẻ những câu chuyện vươn khơi bám biển, giữ rừng và gieo trồng những mảng xanh cho đảo ngày thêm xanh. Cũng còn đó những vất vả, lênh đênh, nhưng anh tin, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nói chung và của Quảng Trị nói riêng, Cồn Cỏ sẽ ngày càng phát triển hơn, xanh hơn.
Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt hải sản gần bờ và xa bờ. Đối với họ, mỗi chuyến ra khơi thường mang theo nhiều hy vọng đem về nhiều lộc biển. Và mỗi chuyến tàu về luôn là sự mong đợi của người thân. Do vậy, bến cảng không chỉ là bến đậu, mà còn là bến đợi người thân từ mênh mông sóng biển trở về. Mẻ lưới ít hay nhiều với họ cũng bình thường trong cuộc mưu sinh vất vả. Mớ cá mớ tôm nhỏ mỗi ngày mà tích cóp từng tháng, từng năm đã mang lại cho cư dân huyện đảo này một cuộc sống ổn định hơn, thậm chí làm giàu từ biển. Nhưng không chỉ là cuộc mưu sinh hàng ngày, nghề đi biển còn là tình cảm bền chặt của người con huyện đảo Cồn Cỏ gắn liền với biển. Nhất là khi Biển Đông luôn trong “tầm ngắm” của các thế lực nước ngoài, thì việc vươn khơi bám biển của những ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ càng thêm khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tới đây, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai kế hoạch thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ, vừa phục vụ mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rừng – biển, vừa phục vụ lợi ích cộng đồng địa phương thông qua việc khai thác hợp lý các sản phẩm tự nhiên từ rừng và dịch vụ du lịch sinh thái, vừa đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về quốc phòng, an ninh. Và như vậy, trong hình dung của tôi, Cồn Cỏ không chỉ là địa chỉ đỏ của cách mạng mà còn là “địa chỉ xanh” về môi sinh và là địa chỉ đáng sống và đáng đến.
Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Trước chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trước sự hy sinh máu xương của thế hệ cha ông giữ đảo, trước nỗ lực quyết tâm bảo vệ chủ quyền và xây dựng đảo phát triển bền vững của quân và dân Cồn Cỏ, mới thấy bản thân mình và những đóng góp của mình thật nhỏ bé vô cùng. Với tất cả tình yêu đất nước, quê hương, tôi mong mỗi người hãy một lần ra thăm Cồn Cỏ, để có dịp cảm nhận về tình yêu biển đảo Việt Nam, để biết trân trọng những màu xanh, màu xanh của bầu trời, màu xanh của rừng, màu xanh của nước và màu xanh vĩnh cửu của ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của quân và dân Cồn Cỏ.
Lê Thị Thu Thanh
Địa chỉ: Đội 2, Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị