Giao thừa là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới. Đây là một trong những buổi lễ quan trọng trong tập quán, văn hóa nhiều dân tộc.
Giao thừa diễn ra vào ngày nào?
Giao thừa dương lịch (tiếng Anh: New Year’s Eve) diễn ra vào ngày 31 tháng 12. Theo đường đổi ngày quốc tế, quần đảo Line, vài đảo ở Polynesia và Úc, New Zealand là những nơi đón năm mới đầu tiên trên thế giới.
Giao thừa Tết Dương lịch năm nay diễn ra vào chủ nhật ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Vào dịp này, nhiều quốc gia thường tổ chức bắn pháo hoa hoặc các lễ hội để đón mừng năm mới.
Giao thừa âm lịch sẽ diễn ra vào đúng 12h đêm ngày 30 tháng Chạp Âm lịch. Nếu là tháng thiếu không có ngày 30, đêm Giao thừa sẽ rơi vào đêm ngày 29 tháng Chạp.
Theo Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh, giao thừa có nghĩa là “Cũ giao lại, mới tiếp lấy – Lúc năm cũ qua, năm mới đến”.
Đêm trừ tịch, còn được gọi tên là đêm 30, là khoảng thời gian trước nửa đêm, thời khắc giao thừa giữa năm mới và năm cũ. Đêm trừ tịch là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ.
Các nước trên thế giới chào đón giao thừa thế nào?
Mỗi nước sẽ có những cách đón giao thừa khác nhau. Ở Pháp, mọi người sẽ cùng nhau uống rượu, mở tiệc ăn mừng vào đêm giao thừa.
Ở Anh, nhiều người sẽ tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccadilly Circus, cùng nghe tiếng chuông đồng hồ Big Ben của thủ đô London báo hiệu năm mới đã đến, nắm tay nhau hát bài Auld Lang Syne. Họ cũng sẽ mua quà, bánh đi thăm bạn bè, họ hàng trong đêm giao thừa.
Ở các nước Bắc Mỹ như Mỹ, Canada, những cặp đôi sẽ hôn nhau vào khoảng khắc giao thừa, vừa để duy trì tình cảm, vừa mong muốn một khởi đầu tràn ngập tình yêu thương.
Ở Brazil, mọi người sẽ mặt đồ trắng vào đêm giao thừa và thả trôi những bông hoa trắng dưới biển để tỏ lòng biết ơn với nữ thần biển cả.
Một số quốc gia ở châu Á vẫn tổ chức đón Tết truyền thống theo lịch âm. Tuy nhiên, vào đêm giao thừa dương lịch, họ cũng tổ chức lễ bắn pháo hoa và các bữa tiệc chào đón năm mới.
Phong tục đón giao thừa ở Việt Nam
Tại Việt Nam, bắn pháo hoa đêm giao thừa vào Tết dương lịch cũng là một trong những sự kiện lớn được nhiều người quan tâm. Vào thời khắc này, mọi người thường đổ ra đường chào đón năm mới hoặc tổ chứ những bữa tiệc nhỏ, quây quần bên người thân và gia đình.
Người Việt Nam chú trọng nhiều hơn tới đêm giao thừa âm lịch. Theo phong tục từ cổ xưa, vào lúc tất niên và giao thừa nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà, chuẩn bị chu đáo để đón người đến xông đất, mang tài thần vào nhà.
Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày Mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó, thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa.
Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà.
Ngoài ra, trong đêm giao thừa người Việt luôn thực duy trì phong tục truyền thống mừng tuổi. Theo tục lệ, người lớn sẽ mừng tuổi trẻ em bằng những đồng tiền mới hoặc cho vào phong bao giấy màu đỏ, cùng với đó là những câu chúc sức khoẻ, thành công, hạnh phúc của mọi người dành cho nhau.
Sau khi cúng giao thừa xong, người dân thường đi lễ chùa cầu xin Thần Phật phù hộ cho gia đình một năm mới an lành, hạnh phúc. Theo quan niệm dân gian, khi đi lễ chùa đầu năm, người dân sẽ ra sân vườn chùa bẻ một cành lá gọi là hái lộc với ý nghĩa mang lộc của Thần Phật về nhà. Cành lộc này sẽ được trưng trước bàn thờ gia tiên cho đến khi tàn khô.
Các cụ có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là tục lệ truyền thống từ xưa đến nay vẫn được duy trì. Muối không chỉ có ý nghĩa xua đuổi tà ma, điềm rủi mà chúng còn mang ý nghĩa thể hiện sự gắn kết tình cảm quan hệ gia đình, con cái khỏe mạnh, thuận hòa.
Do vậy, sau đêm giao thừa người ta thường mua những bịch muối nhỏ được gói trong bao giấy màu vàng, màu đỏ ở các khu phố, khu chợ.
Thanh Ngọc