Từ bỏ công việc kỹ sư xây dựng ở Hà Nội, anh Nguyễn Trọng Hùng (SN 1987, quê ở thôn Tân Tiến, xã Sơn Tiến, Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở về cố hương làm giàu với nghề nuôi dê.
Anh Nguyễn Trọng Hùng cho đàn dê ăn thức ăn ủ chua để tăng thêm chất dinh dưỡng.
Năm 2005, anh Nguyễn Trọng Hùng bắt đầu theo học chuyên ngành xây dựng dân dụng tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Đến năm 2009, anh tốt nghiệp và làm việc tại một công ty xây dựng với thu nhập 25 triệu đồng/tháng ở Thủ đô. Thế nhưng, suốt thời gian lập nghiệp, anh luôn nung nấu trở về quê hương. Đầu năm 2021, anh đưa ra quyết định táo bạo – từ giã nghề kỹ sư xây dựng để về quê nhà (xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) xây dựng mô hình nuôi dê.
Anh Hùng tận dụng diện tích đất của gia đình để trồng các loại cỏ như: VA 06, voi xanh, Đài Loan NNT01… làm thức ăn cho đàn dê.
“Trở về quê lập nghiệp bằng nghề chăn nuôi, em nhận không ít lời bàn tán của mọi người. Nhiều người tiếc cho em đã bỏ bao năm ăn học rồi trở thành kỹ sư với mức thu nhập khá mà lại trở về quê làm nông dân” – anh Nguyễn Trọng Hùng trải lòng.
Những góp ý của người thân và bạn bè càng tạo động lực để anh Hùng cố gắng hơn với lựa chọn của mình. Anh nhiều lần lên mạng tra cứu thông tin, tài liệu rồi “khăn gói” lên đường vào các trang trại nuôi dê lớn ở các tỉnh phía Bắc để tìm hiểu kỹ quy trình nuôi loài vật này.
Thức ăn được cắt ngắn khoảng 2cm và tiến hành ủ chua, vừa chủ động nguồn thức ăn vừa tăng dinh dưỡng cho đàn vật nuôi.
Không chỉ “cắp sách” đi học quy trình kỹ thuật, anh Nguyễn Trọng Hùng còn dành thời gian nghiên cứu kỹ thị trường. Theo nhận định của anh, sức tiêu thụ các sản phẩm từ dê ở Nghệ An, Hà Tĩnh khá dồi dào, trong khi quy trình nuôi loài vật này lại không tốn quá nhiều công sức, thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp, có giá rất rẻ.
Mỗi ngày, 1 con dê chỉ ăn hết khoảng 3.000 đồng (đã bao gồm cả chi phí điện, công chăm sóc) nên kéo dài thời gian nuôi cũng không ảnh hưởng đến kinh tế. Đặc biệt, gia đình Hùng sở hữu diện tích đất hơn 17.000 m2 nên rất thuận tiện để trồng cỏ làm thức ăn cho vật nuôi.
Thức ăn được ủ chua trong khoảng thời gian 4 – 5 tháng trong các thùng nhựa kín.
Đầu năm 2022, Nguyễn Trọng Hùng đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi dê và trồng các loại cỏ như: VA 06, Voi Xanh, Đài Loan NNT01… Đến tháng 5/2022, anh Hùng thu hoạch cỏ, rồi tiến hành ủ vào các thùng nhựa đậy kín theo tỷ lệ 1 tấn cỏ tươi – 5kg cám ngô – 0,2kg muối tinh – 0,2kg men vi sinh trong khoảng 20 – 30 ngày. Cỏ sau khi ủ chua không chỉ cung cấp thức ăn vào thời điểm cỏ tươi khan hiếm mà còn có tác dụng tăng chất lượng dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho đàn dê.
Giữa năm 2022, anh Hùng nhập về 50 dê cái, 2 dê đực với trọng lượng bình quân 40kg/con để nuôi. Nhờ thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, cung cấp thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nên đàn dê của anh Hùng phát triển khá tốt, sau hơn 3 tháng, mỗi con tăng từ 3 – 5kg.
Trang trại nuôi dê của anh Nguyễn Trọng Hùng được địa phương đánh giá cao, xem là mô hình điểm về đầu tư phát triển kinh tế bền vững.
Cuối năm 2022, đàn dê sinh sản lứa đầu tiên thuận lợi, đến nay, trang trại của anh đã có thêm hơn 100 con, đưa tổng đàn lên 150 con (mỗi năm dê cái sinh sản 2 lứa, một con dê cái đẻ 1 – 2 con/lứa). Anh đã cho xuất bán 100 con, thu về 400 triệu đồng.
Theo anh Hùng, để tăng quy mô đàn và phát triển chăn nuôi bền vững, anh tiếp tục nhân đàn, dự kiến đạt 300 con trong năm 2023. Từ năm 2024, dự kiến đàn dê của anh Hùng sẽ cho thu nhập bình quân 50 – 70 triệu đồng/tháng.
Trang trại đang tạo việc làm cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình kinh tế của anh Nguyễn Trọng Hùng đã khẳng định được lợi thế của địa phương. Không chỉ tạo nguồn thu nhập kinh tế cao cho chủ cơ sở, trang trại của anh còn tạo việc làm cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Quan trọng hơn, mô hình phát triển kinh tế bền vững sẽ góp phần giúp địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập, sớm trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Phan Xuân Huy
Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Tiến
Hoài Nam