“Hôm nay cô giáo cho con ghép hình cà chua với số đó mẹ ơi”, một cháu nhỏ khoe với mẹ của mình như thế sau buổi tan trường mầm non. Hỏi thêm tôi mới được biết là trong tiết học làm quen với toán tại trường, cô giáo đã thiết kế một hoạt động ghép tranh với những con số tương ứng.
Những con số môn toán (Math – chữ M trong thuật ngữ STEM) khô khan bỗng dưng sống động hơn với những quả cà chua thường ngày cháu vẫn gặp trong gian bếp của mẹ hay trong những lúc đi siêu thị.
Một lần khác, các bé ngạc nhiên hơn khi chỉ với những que tăm và những chiếc kẹo dẻo cô giáo đã biến tấu thành những hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác… Những viên kẹo giữ vai trò là các điểm kết nối các que tăm lại với nhau giúp trẻ hình thành dần dần tư duy về thiết kế, tính mỹ thuật … chứ không đơn thuần là hiểu biết về cấu trúc hình học đa chiều.
Độc đáo hơn nữa là các cháu lại có dịp thực hành tiếng Anh khi cô giáo giới thiệu hình vuông thì nhiều bé reo lên “square” hay “triangle” khi trên tay mình là một hình tam giác được hình thành.
Được biết, thông qua các trò chơi hay các hoạt động trải nghiệm chương trình STEM – Science – khoa học, Technology – công nghệ, Engineering – kỹ thuật và Math – toán học, mở rộng ra có cả Art (nghệ thuật) cho trẻ từ 3- 6 tuổi được các trường mầm non đưa vào chương trình giáo dục. Tất cả giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng, tạo cho trẻ sự hứng thú, kích thích phát triển các giác quan, phát triển tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Các bé có thể không hiểu STEM hay STEAM là gì nhưng chắc chắn rất yêu thích các hoạt động mà các cô tổ chức. Quan trọng hơn hết là các bé được tự do sáng tạo theo suy nghĩ của mình theo sự gợi ý của cô giáo.
“Con không thích màu đỏ, con chỉ thích màu vàng nên con tô màu vàng nha cô”, một em bé nũng nịu nói với cô giáo trong một hoạt động tô màu phân biệt hình khác nhau khi cô giáo đưa ra yêu cầu là tô màu đỏ cho hình khác biệt. Tất nhiên là cô giáo chấp thuận. Bởi khi ý thích cá nhân được tôn trọng cũng là lúc hình thành tư duy phản biện tích cực cho trẻ.
Còn yếu tố Art (nghệ thuật) trong STEAM được lồng ghép khéo léo thông qua âm nhạc với những bức tranh cùng những gam màu tươi sáng, mô tả sinh hoạt của trẻ em khi ở nhà, ở trường và trẻ được thẩm thấu những bài học kỹ năng, phép ứng xử trong cuộc sống hàng ngày.
Những câu chuyện của các cô cậu bé mầm non làm tôi liên tưởng đến những câu chuyện khác về kỹ năng sống của thanh thiếu niên trong cuộc sống hiện nay. “Con cá này làm thế nào cho sạch vậy mẹ ?”. Một lần, đến thăm nhà một người bạn, tôi chợt nghe con gái của chị – một cô bé học lớp mười hồn nhiên hỏi như vậy.
Lần khác, khi đi dã ngoại cùng gia đình, tôi chứng kiến hai cô cậu đang ở độ tuổi teen cứ loay hoay với nồi cơm nửa sống nửa chín và cuối cùng là đem bỏ đi. Quả thật, có những việc hết sức đơn giản nhưng nhiều cô cậu bé đang ở độ tuổi mới lớn không thể nào làm được. Những bài học về kỹ năng qua những hoạt động học tập, trải nghiệm chưa được các em thẩm thấu một cách nghiêm túc.
STEM hay STEAM được các trường mầm non, mẫu giáo thiết kế trong chương trình giáo dục bước đầu đã dần hình thành cho trẻ những trải nghiệm làm quen với những kỹ năng, giúp các em định hướng được sự phát triển theo tâm sinh lý lứa tuổi qua những việc làm bình thường hàng ngày.
Ở góc độ cao hơn, trẻ sẽ thấy khoa học kỹ thuật thật gần gũi với cuộc sống và mang lại những yếu tố thú vị để rồi từ đó niềm đam mê, óc tò mò muốn được khám phá cuộc sống sẽ dần đến. Có thể trẻ không hiểu các định nghĩa mang tính hàn lâm, nhưng chỉ cần giúp trẻ vui và luôn mong ngóng tham gia những hoạt động, có những bài học riêng cho cá nhân mình, đó đã là thành công của những hoạt động STEM hay STEAM ở lứa tuổi mầm non.