Trong 2 tuần trở lại đây, giá vàng liên tục có nhiều biến động mạnh. Có thời điểm vàng miếng SJC được các “nhà vàng” niêm yết giá bán chạm mốc 80 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, ngày 28/12, Thủ tướng ra chỉ đạo “nóng” về vàng và Ngân hàng Nhà nước cũng lên tiếng về việc sẽ sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường. Đến sáng 29/12, giá vàng miếng SJC không ngừng rơi. Giá bán đã về mức 74 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 6,5 triệu đồng so với mức đỉnh.
Đến trưa 30/12, giá thậm chí giảm về mức 72,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, còn chiều thu mua tụt về 69,5 triệu đồng, giảm gần 8 triệu đồng so với mức đỉnh thiết lập ngày 26/12.
2 yếu tố khiến giá vàng giảm sâu
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định, việc Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải bình ổn thị trường vàng sẽ có tác động ngay đến yếu tố tâm lý những nhà đầu tư vàng thời gian qua.
Theo đó, nhà đầu tư đang chờ giá văng tăng tiếp tục, sau khi có chỉ đạo từ Thủ tướng sẽ bán “chốt lời” vì cho rằng giá vàng sẽ giảm sâu khi NHNN can thiệp vào thị trường.
Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư có tâm lý cũng mang tâm lý bán để “chốt lời” khi cầm vàng từ nhiều năm trước. Cách đây 4 năm, giá vàng miếng SJC được các đơn vị kinh doanh niêm yết quanh mốc 40-42 triệu đồng/lượng.
Đồng quan điểm, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho biết, giá vàng giảm sâu có thể đến từ 2 yếu tố. Thứ nhất là tâm lý người cầm vàng bị tác động từ chỉ đạo của Thủ tướng. Thứ 2 đến từ tâm lý chốt lời khi giá vàng lên cao và sợ vàng giảm sâu.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng và động thái của Ngân hàng Nhà nước, thị trường vàng sẽ bình ổn hơn, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế được rút ngắn lại.
Ông Khánh cho rằng, giá vàng SJC biến đổi không theo quy luật nào, nhìn chung vẫn theo diễn biến của giá vàng thế giới. SJC là thương hiệu vàng quốc gia, khi thị trường vàng đi xuống, giá vàng SJC cũng đi xuống nhưng mức độ chênh lệch ít, và ngược lại.
Ngân hàng Nhà nước can thiệp bình ổn, giá vàng sẽ ra sao?
Theo ông Huân, nhiều năm trước, Ngân hàng Nhà nước cũng từng can thiệp bình ổn thị trường vàng. Giá vàng nhiều năm liền đi ngang và không có sự biến động. Cho đến những năm trở lại đây, cơ quan quản lý tiền tệ đã không can thiệp vào thị trường vàng mà để thị trường này tự vận động.
Trong trường hợp cơ quan quản lý tiền tệ can thiệp thị trường vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng, khả năng cao giá vàng trong thời gian tới sẽ giảm, khó có khả năng tăng thêm.
Xu hướng giá vàng trong nước chỉ có thể giảm về tiệm cận giá vàng thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khiến họ đem vàng bán trước khi giá vàng sụt giảm mạnh.
“Nếu chỉ do yếu tố tâm lý, giá vàng sẽ chỉ giảm khoảng vài triệu đồng. Nhưng nếu như có sự can thiệp bình ổn thị trường vàng, không để cho chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế quá lớn, giá chênh lệch có thể giảm về quanh mốc 3-4 triệu đồng, nghĩa là giá vàng có thể giảm khoảng 10 triệu đồng/lượng”, ông Huân dự báo.
“Nên ngừng độc quyền vàng miếng”
Ông Nguyễn Hữu Huân nhận định, giá vàng trong nước không liên thông với quốc tế, “một mình một chợ” từ nhiều năm nay nên dẫn đến những biến động hết sức bất ngờ và khó dự báo.
Ông cho rằng có hiện tượng vàng bị kiểm soát giá. Cụ thể, vàng trong nước có lúc đồng pha với giá thế giới ở chiều tăng lên, nhưng khi giá quốc tế giảm thì trong nước lại giảm chậm hoặc không giảm.
“Đáng nói, việc này chỉ có xảy ra đối với vàng miếng SJC chứ các loại vàng như nhẫn, nữ trang thì vẫn bình thường”, vị chuyên gia nhận định.
Ông cho biết vàng miếng SJC được độc quyền từ cả chục năm nay. Cũng hơn 10 năm nay, thị trường không có thêm lượng vàng miếng SJC. Do đó, những đơn vị đang nắm số lượng vàng trên thị trường có thể chi phối được giá. Còn vàng nhẫn thì nguồn cung dồi dào do nhiều nhà cung cấp hơn nên giá cũng sẽ biến động theo giá thế giới hơn và cạnh tranh hơn.
Để ổn định giá vàng, ông Huân cho rằng, cách duy nhất can thiệp vào thị trường lúc này là ngừng độc quyền vàng miếng. Nhà nước chỉ kiểm soát nguồn cung, còn việc sản xuất có thể cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia, sử dụng vàng dân cư để sản xuất vàng miếng, góp phần ổn định nhu cầu vàng miếng của thị trường.
Tuy việc thị trường cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng việc hạn chế nhập khẩu vẫn cần được duy trì để đảm bảo an ninh tiền tệ, giảm đầu cơ tích trữ.
Theo vị chuyên gia, cán cân thanh toán những năm qua khá ổn định, nếu phải nhập khẩu vàng sẽ mất lượng lớn ngoại tệ, trong khi thặng dư thương mại, dự trữ ngoại hối chưa cao.