Ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Địa ốc Đất xanh miền Bắc cho biết, năm nay doanh nghiệp của ông thuộc diện “may mắn” khi hiện tại vẫn có dự án để phân phối. Tuy nhiên, doanh thu không thể bằng năm ngoái. Hiện doanh nghiệp đang phải lo lương hàng tháng cho 400 nhân viên.
Với tình hình này, năm nay doanh nghiệp rất lo chuyện thưởng Tết.
“Chúng tôi vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Nếu như năm ngoái dù thị trường bất động sản còn khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn còn tiền tích lũy thì năm nay đã không còn. Chúng tôi đã chia sẻ trước với nhân viên để họ thông cảm“, ông Quyết nói.
Ông Phạm Đức Toản – Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ cho rằng, tiền thưởng Tết nhân viên bất động sản cao hay thấp dựa vào doanh số kinh doanh. Năm nay, nhìn chung các doanh nghiệp bất động sản có doanh số sụt giảm.
“Hiện doanh nghiệp năm nay còn khó khăn hơn năm ngoái. 2 năm nay đã không có chuyện thưởng bằng nhà lầu, xe hơi giới trong giới địa ốc. Nhiều doanh nghiệp bất động sản duy trì thưởng được tháng lương thứ 13 đã là sự cố gắng lớn”, ông Toản nói.
Theo ông Toản, sau 20 năm kinh doanh, ông cảm nhận được “chưa năm nào khó khăn như năm nay”. Thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn sang năm 2024. Có những đơn vị phân phối, thậm chí cả chủ đầu tư phải giảm số lượng nhân viên vì áp lực tài chính. Có những doanh nghiệp chịu tác động kép khi lãi ngân hàng tăng và đáo hạn trái phiếu.
Thậm chí, theo ông Toản, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại là để lấy lại niềm tin của khách hàng chứ chắc chắn không có tiền thưởng Tết cho nhân viên.
”Công ty tôi dù khó khăn vậy vẫn phải cố xoay xở lo cho anh em, nhiều thì không có nhưng cũng gắng mức cơ bản nhất“, ông Toản chia sẻ.
Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội chia sẻ, trái ngược với thời hoàng kim của thị trường bất động sản 2016-2017 mùa Tết luôn rủng rỉnh tiền mặt, 2 năm nay các doanh nghiệp gần như không có Tết. Suốt từ giữa năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp không có sản phẩm để bán nhưng vẫn phải bỏ ra ngân sách khá lớn để duy trì hệ thống.
Thậm chí, lượng hàng bán được từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa nhận phí môi giới vì các chủ đầu tư tắc nghẽn dòng tiền, dẫn đến cơn khát vốn lây lan từ chủ đầu tư sang công ty phân phối và cả các nhà thầu cũng thiếu hụt tiền cuối năm.
“Năm ngoái vẫn còn dòng tiền dự trữ nhưng năm nay cạn dòng tiền. Công ty không có khoản thưởng nào và đang cố duy trì lương nhân viên. Thị trường bất động sản trầm lắng nên mùa Tết trở thành mối lo lón“, vị này nói.
Ông Nguyễn Anh Quê, Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, ở các sàn giao dịch bất động sản, môi giới nghỉ việc khoảng 80%, số sàn đóng cửa 30%, số hoạt động cầm chừng khoảng 40%. Các sàn còn lại vẫn hoạt động nhưng không thể bằng giai đoạn trước.
“Các doanh nghiệp có doanh thu lợi nhuận năm nay kém hơn nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp lỗ nặng. Mọi năm có lương tháng 13, thưởng thêm các khoản, quà. Nhưng năm nay thì có thể vẫn có lương tháng 13 với một mức hạn chế, còn các khoản quà, thưởng kèm theo có lẽ sẽ rất ít hoặc không có”, ông Quê nói.
Ông Nguyễn Anh Quê cũng cho rằng Tết năm 2023 “đang phủ một màu u ám với thị trường bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Hy vọng sang năm thị trường có sự khới sắc hơn để có tết vui hơn”.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, năm 2023, thị trường chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt.
Chính vì vậy, theo ông Đính, năm nay thưởng Tết là vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp bất động sản. Tỉ lệ thưởng Tết ở mức lớn hoặc “kha khá” có nhưng sẽ không phổ biến.
Theo lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản, trong bối cảnh này, doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ của cán bộ nhân viên, khi dự án được tháo gỡ, dòng tiền trở lại, lợi nhuận có, sẽ là cơ sở trích ra để chi trả chế độ cho người lao động.
Đánh giá về khả năng phục hồi thị trường, ông Đính cũng cho biết đã và đang có dấu hiệu phục hồi. Khi các chính sách vĩ mô có độ ngấm, sự phục hồi sẽ dần tích cực hơn.
Tuy nhiên, ông vẫn còn những lo ngại nhất định khi nhiều điểm nghẽn vẫn chưa được tháo gỡ. Một số luật về bất động sản đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực, một số thì chưa được thông qua.
Ngọc Vy