Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng chủ trì sáng 22/12, bà Nguyễn Thái Hoài Anh – Phó Tổng Giám đốc Sun Group cho rằng, cần coi nhiệm vụ Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch này trong từng thời kỳ, là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam.
Theo bà Hoài Anh, cần có cơ chế xã hội hóa huy động nguồn vốn thực hiện, kêu gọi các ý tưởng, nghiên cứu bài bản từ quy hoạch không gian văn hóa, phát triển các sản phẩm, quy hoạch ngành nghề phát huy giá trị văn hóa, du lịch đồng thời phát triển các ngành nghề phụ trợ để có hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Về cơ chế chính sách, hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu.
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Sun Group cho rằng, trong thực tế, các dự án về du lịch, văn hóa là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm.
“Cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ví dụ như về cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối”, bà Hoài Anh góp ý.
Bà Trương Uyên Ly – Giám đốc Hà Nội Grapevine chia sẻ, không gian sáng tạo đang là mô hình hết sức năng động, đa dạng, linh hoạt và cởi mở. Qua đó, kết nối giữa văn hóa nghệ thuật, kinh doanh và công nghệ nhằm giới thiệu các tài năng, các sản phẩm, các ý tưởng sáng tạo đến với công chúng.
Song theo bà Ly, không gian sáng tạo vẫn đang gặp phải khó khăn về hạn mức chi thấp gây cản trở, đặc biệt là trong các dự án có tính chất công – tư. Hiện các không gian sáng tạo vẫn đang thực hiện các nghĩa vụ thuế giống các doanh nghiệp thông thường khác, nên sẽ gặp khó khăn hơn. Khi tham gia các dự án hợp tác công – tư thường gặp khó khăn với mức chi rất thấp của Nhà nước.
“Về thuế, tôi đề xuất miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong 3 năm đầu tiên và 2 năm tiếp theo thì giảm còn 10% và miễn giảm thuế thu nhập đối với các dự án công – tư”, bà Ly kiến nghị.
Trước các kiến nghị về chính sách thuế tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện nay các chính sách về thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các chính sách khác, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Ông Chi cho hay, những kiến nghị mà các đại biểu phát biểu đang vượt quá những chính sách, quy định hiện hành, Bộ Tài chính xin được ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp lại trong các chương trình, kế hoạch sửa các quy định pháp luật thuế liên quan đến lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa như kiến nghị của các đại biểu.
“Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, các hoạt động công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh… tận dụng được cơ hội để, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp văn hóa”, ông Chi nói.
Về kiến nghị thuế chồng thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, hiện nay chính sách thuế không có việc thuế chồng thuế đối với hoạt động văn hóa, chỉ có những ưu đãi chưa đạt được mức mong muốn của từng trường hợp cụ thể và có thể có những sự chưa đồng nhất giữa các loại hình văn hóa khác nhau.
“Điều này chúng tôi ghi nhận, sẽ có tổng hợp, đánh giá, kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho hoạt động này”, ông Chi kết luận.