Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025 giảm phụ thuộc kiến thức sách giáo khoa, tránh việc học vẹt; hai dạng trắc nghiệm mới ngăn chặn cách học cầu may, khoanh bừa, theo các giáo viên.
Ngày 29/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cấu trúc và đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025 cho 17 môn, trong đó Toán và Ngữ văn là hai môn bắt buộc.
Do chương trình mới triển khai tới lớp 11, đề minh họa chủ yếu sử dụng kiến thức lớp 10 và 11. Bộ cho biết các câu hỏi trong đề “cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa”, tức có tác dụng, giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn khoa học.
Với Ngữ văn – môn duy nhất thi tự luận, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, tổ trưởng Ngữ văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, nhận xét đề minh họa năm 2025 vẫn gồm cấu trúc hai phần Đọc hiểu và Viết, nhưng thay đổi trọng số từ 3-7 sang 4-6 điểm.
Điểm tích cực lớn, theo thầy Minh là đề là sử dụng toàn bộ ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
“Điều này giúp phát huy năng lực đọc, viết độc lập cho học sinh, tránh tình trạng học vẹt, học tủ”, thầy Minh nói. Song, thầy Minh nhìn nhận cách hỏi trong đề minh họa không có đột phá, kích thích sự sáng tạo của học sinh. Cấu trúc 6 điểm Đọc hiểu và 4 điểm Viết sẽ hợp lý hơn.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM, cho rằng cấu trúc và yêu cầu của đề thi bám sát yêu cầu cần đạt theo các đặc trưng thể loại của chương trình mới. Việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa còn giảm được áp lực thi cử.
“Từ nay, tình trạng đoán đề cũng không còn”, thầy Đức Anh nói.
Lấy ví dụ từ đề minh họa, phần Đọc hiểu sử dụng văn bản Chiến thắng Mtao Grư, thuộc thể loại sử thi, các giáo viên Tổ Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đánh giá các câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Câu hỏi vận dụng cần khả năng đọc văn bản và phát hiện “điều gì có ý nghĩa nhất với cuộc sống hôm nay” nhưng cũng không đánh đố, vì vấn đề được đặt ra trong tác phẩm tương đối quen thuộc.
Phần Viết gồm một câu nghị luận văn học, bàn về nhân vật thần Mưa trong đoạn trích và một câu nghị luận xã hội, trình bày ý kiến về những khó khăn, thách thức với tuổi trẻ. Đề nghị luận văn học không quá khó, nhưng đòi hỏi tính chính xác nên học sinh cần cẩn trọng lúc làm bài, tránh rơi vào tình trạng diễn xuôi văn bản, bàn luận lan man. Vấn đề nghị luận xã hội cũng tương đối quen thuộc, không mới nhưng để có điểm trọn vẹn, học sinh cần có dẫn chứng đắt giá, thuyết phục, thể hiện rõ quan điểm người viết.
“Học sinh không khó đạt 7-7,25 với đề thi này”, các giáo viên nhận xét.
Với môn Toán, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Toán trường THPT Nguyễn Du, TP HCM, cho biết đề thi minh họa đang sử dụng kiến thức lớp 10, nên chưa thể đánh giá về khối lượng, nội dung.
Về hình thức, khác biệt lớn nhất là đề thi tốt nghiệp THPT 2025 có thêm hai dạng câu hỏi là trắc nghiệm đúng sai, điền đáp án bên cạnh hình thức truyền thống là trắc nghiệm có bốn lựa chọn. Theo thầy Chính, dạng câu hỏi mới sẽ khắc phục tình trạng thí sinh đánh bừa, cầu may đáp án đúng.
Đây cũng là điều thầy Đỗ Bảo Châu, giáo viên Toán, trường Liên cấp FPT Hà Nam, tâm đắc.
“Sau một thời gian dài học sinh thi trắc nghiệm, chủ yếu sử dụng các công thức, tính năng trên máy tính cầm tay, dạng câu hỏi mới sẽ kiểm tra thực chất năng lực của các em”, thầy Châu nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lý giải việc thêm dạng thức câu hỏi nhằm kiểm tra tư duy của học sinh ở mức cao hơn. Do đó, số lượng câu hỏi của đề thi Toán giảm từ 50 xuống 34 bởi các em cần nhiều thời gian để trả lời.
Các giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đánh giá số câu hỏi nhận biết và thông hiểu trong đề minh họa khoảng 6 điểm, còn lại 4 điểm vận dụng.
“Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển”, một giáo viên nhận định.
Xem đề minh họa 17 môn
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Như vậy, số môn thi từ năm 2025 giảm hai và số buổi thi giảm một. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá phương án này giúp giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội.
Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp THPT 2025, Bộ cho biết sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp. Ngoài ra, kỳ thi giữ ổn định hình thức thi trên giấy đến năm 2030, sau năm 2030 thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở những nơi đủ điều kiện.
Thanh Hằng – Lệ Nguyễn