Năm 2023, dù kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của kế hoạch sản xuất, kinh doanh… Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 12/2023 tăng 3,58% so với tháng 12/2022.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương trong cuộc phỏng vấn với TTXVN về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng kinh tế năm 2023 của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%; quý II tăng 4,25%; quý III tăng 5,47%; quý IV tăng 6,72%). Tính chung cả năm 2023, GDP tăng 5,05% so với năm trước.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp các tháng trong năm 2023 diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là các tháng cuối năm. Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với năm trước.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2023 khởi sắc hơn so với các quý trước, góp phần đưa vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả năm 2023 tăng 6,2%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tính đến 20/12/2023 tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm. Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Hương, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 12/2023 tăng 3,58% so với tháng 12/2022. Bình quân năm 2023 CPI tăng 3,25% so với năm 2022 và đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra; lạm phát cơ bản tăng 4,16%.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn với TTXVN, bà Nguyễn Thị Hương cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại của nền kinh tế như: nhiều loại vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu đã làm tăng chi phí sản xuất.; diện tích cây điều, cao su, hồ tiêu tiếp tục giảm do hiệu quả kinh tế không cao; giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao; sản lượng gỗ khai thác tăng thấp do các doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm chủ yếu do thiếu đơn hàng sản xuất…
Đối với năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế các quý, cần phải ổn định tình hình kinh tế – chính trị – xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư; kiểm soát tốt lạm phát.
Cùng với đó, theo bà Nguyễn Thị Hương, cần phải phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh. Song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới; tận dụng tốt các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hương cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế.
“Năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này”, bà Nguyễn Thị Hương nói./.
Hoàng Anh